
Miếng trầu là đầu câu chuyện, là thứ không thể thiếu dịp cưới hỏi, lễ Tết đầu năm, nhất là ở vùng nông thôn. Hiện nay, người dân xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn), địa danh nổi tiếng với 18 thôn vườn trầu, không khỏi ngậm ngùi vì những vườn trầu tại đây có nguy cơ biến mất do xu thế đô thị hóa.
- Vườn trầu trong “cơn lốc” đô thị hóa

Chăm sóc vườn trầu cau tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Qua nhiều hẻm nhỏ vòng vèo chúng tôi mới tìm được những vườn trầu hiếm hoi còn lại trên địa bàn ấp Đông Lân, xã Bà Điểm. Một người dân địa phương đi cùng khẳng định hiện nay muốn thấy được một vườn trầu cau còn nguyên vẹn, chưa bị “cắt” nhỏ để xây nhà, phải tìm... mỏi mắt. Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên thay chỗ cho những vườn trầu xanh mướt.
Theo ông Sáu Tâm, ấp Đông Lân, trước đây nhà ông bốn đời gắn bó với nghề trồng trầu, kinh tế của gia đình dựa vào 5.000 gốc trầu. Nhưng những năm trở lại đây, trầu ngày càng bị hạ giá, từ 40.000 đồng - 50.000 đồng/kg trước đây giờ chỉ còn trên dưới 15.000 đồng/kg. Dù rất đau lòng vì phải từ bỏ nghề truyền thống nhưng ông đành phá gần 2/3 vườn trầu để trồng các loại cây khác.
Do trầu không có đầu ra, nên nhiều hộ dân đã phá trầu để trồng kiểng, chăn nuôi... và bán đất. Xã Bà Điểm là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của huyện Hóc Môn nên những năm gần đây, giá đất lên vùn vụt. Giá đất trong hẻm cũng đã 2 triệu - 3 triệu đồng/m2, còn ngoài mặt tiền các lộ lớn là 4 triệu - 5 triệu đồng/m2 nên người dân địa phương thi nhau bán.
Theo số liệu của UBND xã Bà Điểm, hơn chục năm về trước toàn xã có hơn 500 ha trầu, cau với hàng ngàn hộ sống bằng nghề truyền thống này và cách đây hơn 5 năm vẫn còn khoảng trên 200 ha trầu. Nhưng hiện nay toàn xã chỉ còn khoảng 10 ha trầu, cau và dự báo năm 2006 sẽ giảm gần phân nửa và có nguy cơ biến mất trong vài năm tới, vì nhiều vườn trầu đang tiếp tục bị xé lẻ.
- Quy hoạch bảo tồn vườn trầu
Để bảo tồn, tôn tạo một địa danh lịch sử và truyền thống lâu đời của TP, ngày 16-12-1999, Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 khu dân cư vườn trầu có diện tích 115,5 ha.
Theo đó, khu dân cư này sẽ được cải tạo trên cơ sở hiện trạng của khu dân cư hiện hữu, bao gồm các khu nhà và vườn trầu truyền thống, đồng thời sẽ có thêm các công trình như đường giao thông, trường học, trạm y tế... phục vụ cho tham quan, du lịch. Tuy nhiên, dù quy hoạch đã lâu, nhưng do chưa có các bước triển khai cụ thể, trong khi trầu mất giá, không có đầu ra, đất lại lên giá, nên người dân phá trầu, bán đất, làm vỡ quy hoạch.
Ông Phạm Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, nhìn nhận, dù địa phương hàng năm trợ vốn từ các nguồn vốn vay hàng tỷ đồng để tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn, đầu tư vườn trầu, nhưng vẫn không ngăn cản được tình trạng sang nhượng đất. Cuối năm 2001, UBND huyện Hóc Môn tổ chức khảo sát, lập đề án quy hoạch Khu du lịch 18 thôn vườn trầu.
Theo đó, chính quyền địa phương sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, trợ vốn... để người dân tham gia hình thành tour du lịch kết hợp với tham quan di tích lịch lịch sử truyền thống từ 18 thôn vườn trầu, Bà Điểm- Hóc Môn đến địa đạo Củ Chi, huyện Củ Chi và ngược lại. Nhưng dự án vẫn giậm chân tại chỗ.
Vì theo ông Trần Công Cảm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, lý do vẫn là quy hoạch khu dân cư vườn trầu chỉ mới là phác thảo chung, chưa triển khai cụ thể. Mặc dù đã có phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhưng trên thực tế vẫn phải cần tính toán, phân bổ hợp lý từng khu vực trồng trầu của người dân, cũng như phải kết hợp khu 18 thôn vườn trầu vào các tour du lịch của TP một cách khoa học, để người dân có thể sống được với nghề truyền thống thông qua các mô hình làm du lịch, tham quan thì mới giữ được vườn trầu.
THẢO BÌNH