Vụ tai nạn xe Camry đụng chết hai ông cháu và một phụ nữ ở phố Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) vào sáng 29-2 một lần nữa lại gióng một hồi chuông cảnh báo cho những người sau khi uống bia rượu còn cầm lái. Pháp luật chắc chắn sẽ xử lý đích đáng với người lái xe gây tai nạn trên. Điều đáng bàn thêm là chuyện cấp cứu cháu bé trong vụ tai nạn trên.
Cô giáo K.L. (giáo viên Trường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội), tình cờ có mặt đúng lúc tai nạn xảy ra, đã viết những dòng ngậm ngùi trên Facebook về việc cô đã gọi một chiếc taxi để cháu đến bệnh viện. Chiếc xe taxi bỏ chạy. Cô và mọi người lại chặn một chiếc ô tô khác. Người cầm lái đã cố gắng lách dòng người chạy luôn, không chịu chở cháu bé đi cấp cứu. Khi xe tải nhỏ của công an phường đến, cháu bé được đưa lên xe phía sau, nhưng không ai lên cùng bé. Cô K.L. vội bảo xe ngừng để tìm người ngồi cùng với cháu. Đúng lúc đó, xe cấp cứu 115 đến. Đáng tiếc, vì chấn thương quá nặng nên cháu bé đã qua đời tại bệnh viện.
Hãy góp một tay cứu người
Bàn về chuyện này ở một bàn tròn cà phê, một doanh nhân bộc bạch: Tôi cũng đã nghĩ nếu mình chạy qua khu vực tai nạn lúc đó, chắc tôi cũng chạy luôn, vì nghĩ mình sẽ trễ công việc đã hẹn. Rồi người khác, hoặc cấp cứu 115 sẽ đến thôi! Nhiều người khác cũng cho rằng họ không biết sơ cứu và đó là trách nhiệm của cấp cứu 115… Như vậy, hành động của số đông người là chạy luôn và ai cũng có lý do để biện minh cho việc không dừng xe chở cháu bé đi cấp cứu.
Theo pháp luật, hành vi bỏ mặc người bị tai nạn giao thông đã vi phạm điểm đ khoản 3 điều 11 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ. Mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, lâu nay xử lý việc bỏ mặc không cứu giúp nạn nhân còn rất ít và thậm chí bỏ qua không xử lý.
Người xưa đã nói: “Xây mười cảnh chùa cũng không bằng cứu một mạng người”, nếu gặp người bị tai nạn trên đường, xin hãy điện gọi cấp cứu, tham gia sơ cứu và làm gì có thể để cứu một mạng người, dù có mất mát một chút thời gian, một chút vật chất…
THIỆN SƠN