
Hôm qua, rất may bàn thắng sau 50 phút bế tắc của Mai Tiến Thành đã giúp Ban huấn luyện đội bóng U23 Việt Nam thở phào nhẹ nhỏm. Cái bắt tay lạnh ngắt của ông Tổng thư ký, kiêm Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn với chúng tôi thật chặt, như thể ông vừa trút được gánh nặng. Tuy nhiên, trận thắng đầu tiên cũng là lúc chúng ta nhận được bài học đắt giá nhất.
U23 không phải là đội tuyển
Có vẻ như chiến thắng của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008 đã gây ngộ nhận cho nhiều người về trình độ thật sự của bóng đá Việt Nam. Người ta ngỡ rằng, chúng ta đã thật sự đứng đầu ở khu vực, hoặc chí ít cũng thuộc nhóm đứng đầu trong tốp 3 chứ chẳng ít. Nhưng có vẻ như sự ngộ nhận ấy quá lớn khi mà để đánh giá một nền bóng đá, người ta phải nhìn thấy sự thống nhất phát triển ở các cấp độ. Có thể những đội bóng trẻ sẽ khó làm “trùm” được khu vực, nhưng ít ra cách chơi phải có đường nét, hoặc ít nhất là có thể thuyết phục người ta tin rằng mọi thứ đang trên đường phát triển. Bóng đá Việt Nam không tạo được sự an tâm ấy, dẫu rằng sau thành công của đội tuyển quốc gia là thành công một số giải đấu ở cấp độ thấp hơn như U19, U16 khiến người ta đã có lúc vui.

Những gì lứa cầu thủ U23 thể hiện chính là cách tốt nhất để người ta nhìn ra sự ngộ nhận ấy. Họ không mạnh như đội tuyển, đó chỉ là tập hợp các cầu thủ phát triển không đồng đều ở các CLB và cũng chưa từng chơi cùng nhau nhiều ở các giải đấu quốc tế. Nó khác với sự đáng mừng ở các lứa trẻ hơn đang được bồi đắp, nhưng thật ngỡ ngàng, các cầu thủ ở lứa U23 có vẻ đang bay bằng “đôi cánh thành công” của người khác thì phải. Họ hình như tự huyễn hoặc mình rằng: trình độ của các đội bóng trong khu vực giờ đều dưới ta, và chỉ còn mỗi mình Thái Lan là đủ sức cạnh tranh ngôi đầu!?
Giờ thì mọi sự đã rõ, U23 không phải là đội tuyển và tất nhiên, họ cũng chưa có bản lĩnh của một đội bóng mạnh thật sự!
Chớ vội bay, hãy học chạy
Trước một Đông Timor bị coi là yếu nhất ở giải đấu này, không ít người trong giới truyền thông đã chắp thêm cánh cho các cầu thủ trẻ bay bổng bằng việc cho rằng, với chúng ta, vấn đề là thắng bao nhiêu nhưng chí ít cũng phải bằng “một ván tennis”. Những tưởng những thành viên của đội tuyển phải hiểu rõ hơn thực lực để đủ tỉnh táo nhằm có phương án tốt nhất đi đến đích.
Nhưng không, hôm qua, Đông Timor mới là đội đáng được khen ngợi nhiều hơn bởi sự chín chắn của mình. Họ không chấp nhận tham dự giải đấu chỉ để học hỏi, chỉ để thử nghiệm, hay đơn giản chỉ là để đủ mặt. Họ nghiêm túc trong trận đấu thứ nhì, dẫu rằng số lượng cầu thủ của họ ít nhất giải, và dẫu rằng họ nhận được nhiều nụ cười diễu cợt nhất giải. Cái cách mà họ ra sân quá tương phản với thái độ bề trên của các cầu thủ U23 Việt Nam.
Đông Timor đã chắt chiu từng cơ hội và cố gắng hạn chế từng bàn thua, dẫu rằng họ đã chắc chắn bị loại khỏi giải, dẫu rằng họ đã điền tiên mình vào “lịch sử” là đội có trận thua đậm nhất. Còn các cầu thủ chúng ta được xem như chưa chạy nhanh, nhưng đã vội bay trên mây, và có vẻ như sự đánh giá khách quan của khán giả đã nói lên sự thật là thế.
Có lẽ đội tuyển U23 Việt Nam sẽ phải ngượng ngùng lắm khi mà cuối trận những khán giả Lào đã nán lại vỗ tay hoan nghênh sau khi các cầu thủ Đông Timor chạy quanh sân để chào khán giả. Thậm chí, các tình nguyện viên liên tục vây quanh các cầu thủ nhỏ thó đang thở dốc để xin chụp hình lưu niệm. Hôm qua, dưới mắt khán giả, Đông Timor đã tạo được ấn tượng tốt đẹp còn cầu thủ chúng ta? Hình như là một cảm giác ngượng ngùng vì sự thiếu nghiêm túc của đội bóng mà mình yêu thích.
Người ta chợt nhận ra rằng, có vẻ như ở ta, bấy lâu nay, thành tích được coi là thước đo chứ không phải cái cốt của thể thao, ấy là sự nghiêm túc và sự cố gắng. Hôm qua, không ít cầu thủ cười thật gượng, bởi họ chợt nhận ra rằng, đôi khi thắng không phải là tất cả!
Phạm Hoàng