Hãy kéo chăn khi Nửa đêm gió lùa

Có người nói truyện ngắn đã chết và ngay những nhà văn trẻ cũng khởi đầu sự nghiệp viết văn bằng tiểu thuyết chứ không viết truyện ngắn như lời khuyên của các nhà văn cổ điển. Đúng là chúng ta đã từng có những truyện ngắn hay không thua kém bất kỳ nền văn học nào. Độc giả cần những cuốn sách hay, nó thuộc thể loại gì họ không quan tâm. Truyện ngắn đang thừa sức lôi cuốn họ. Cảm giác ấy tôi có được khi đọc xong tập Nửa đêm gió lùa của nhà thơ Lưu Thị Bạch Liễu.

Truyện của Lưu Thị Bạch Liễu đã lôi cuốn tôi, không chỉ bằng những mẩu đời, những nhát cắt một thoáng của cuộc sống các nhân vật, mà bằng cả lối kể chuyện rất nữ tính và nhân hậu, biến hóa và không thiếu bi hài của tác giả, điều hiếm thấy ở những tác phẩm đầu tay, của những tác giả còn thiếu kinh nghiệm. 22 truyện ngắn là những cuộc đời thật sự đớn đau, thật sự làm ta phải trút bỏ thói vô cảm. Hầu hết đó là những cuộc tình, những cuộc hôn nhân không suôn sẻ hoặc đau khổ. Truyện Vọng phu ấn tượng nhất trong loạt truyện về nhân vật “dưới đáy” là cuộc đời của thím Thơm. Mẹ thím, bản thân thím và cả đời con thím là nạn nhân của sự đau khổ trần gian khá phổ biến với người phụ nữ.

Những truyện về tình yêu trong Nửa đêm gió lùa có hương vị riêng. Đó là những phút chông chênh trong tâm hồn người, cảm giác váng vất trước lời mời gọi của dục vọng (chưa hẳn đã thấp hèn mà nhiều khi còn chính đáng) với trách nhiệm và đạo đức. Đó là những mối tình éo le khi cô thiếu nữ mới lớn yêu ông bố nhưng lại phải cưới người con hay cô gái hư con nhà bán cá cảnh đã có chồng hai con vẫn đóng vai người yêu trót lọt với anh sinh viên (Rùa tai đỏ, Đêm cuối cùng trên giường thiếu nữ). Hay cô gái trong Bệnh nhân, yêu trẻ con, thành thạo chăm sóc trẻ con nhưng lại vô sinh và suốt đời thèm khát được làm vợ, làm mẹ.

Lưu Thị Bạch Liễu không còn là thiếu nữ, chị không đẩy nhân vật truyện ngắn mình đi tới cùng như những kẻ ăn chơi tìm đến chữ Z trong quán xá. Nhưng là nhà văn, chị cũng không rao giảng đạo đức dù chỉ qua ý nghĩ và hành động của nhân vật. Chị kể chuyện, có một cách kể chuyện riêng của mình (có vẻ thật như tự truyện vậy) và đọc xong truyện, khi đang cùng nhân vật men trên bờ vực, độc giả thở phào như chính mình vừa thoát hiểm.

Đọc qua truyện Chồng già hay Nửa đêm gió lùa, Bệnh nhân... ta tưởng như tác giả tìm một kết thúc có hậu. Nhưng thực ra, với ngòi bút tinh tế, tác giả đã khắc họa hết mức cái mất mát vô hình không thể hàn gắn của người vợ chịu đựng, nhẫn nhục nhưng lặng lẽ nuốt nỗi đau vào trong như một sự hy sinh. Khác với nhiều tác giả truyện ngắn đương đại thường bạo liệt và rạch ròi ân oán giang hồ, tính nữ của Lưu Thị Bạch Liễu giúp chị đôn hậu và tử tế trong cách nhìn và đánh giá nhân vật. Ta không thấy làn ranh giữa cái tốt, cái xấu thường được chia đều và đối lập một cách khiên cưỡng và ấu trĩ trong nhiều trang truyện ngắn trước đây và hiện nay. Chính sự “tử tế” ấy làm độc giả cảm động, chấp nhận và giúp họ tránh được những cú sức tâm lý trong đời.

Nhưng Bạch Liễu không phải là người thỏa hiệp. Chị lên án thẳng thừng với một lối viết kín kẽ mà sâu cay, về thói đạo đức giả, lừa dối, tóm lại là thói đời đen bạc (trong Năm bông hồng, Rùa tai đỏ và một vài truyện khác). Những mô típ khá quen thuộc trong nhiều truyện ngắn hiện đại tuy chưa đạt tới mức gây ấn tượng vượt trội nhưng cũng cho ta biết khả năng được hé lộ (dù còn dè dặt) về một Lưu Thị Bạch Liễu công dân, nhà báo có trách nhiệm và không né tránh chuyện đời thường đen bạc.

Nguyễn Quang Thân

Tin cùng chuyên mục