Hãy làm khi thấy đúng

“Ê, bỏ đại ra đây nha, xíu có lao công tới dọn chứ làm biếng lượm lắm, mất công đi rửa tay”. Sau đề xuất của một bạn gái, ban đầu cả nhóm còn lưỡng lự nhưng sau cùng thống nhất bỏ lại nào ly nhựa, hộp đựng thức ăn ngay tại lòng đường Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).
Người trẻ đến rồi đi, chỉ có rác ở lại trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: THU HƯỜNG
Người trẻ đến rồi đi, chỉ có rác ở lại trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: THU HƯỜNG

Khi ý thức bị bỏ quên

Nhạy bén, hiện đại, sôi động và luôn nhiệt huyết với cái mới, là đặc trưng của giới trẻ. Bởi vậy mà chẳng lạ khi sự kiện, hiện tượng nào đó hay ho ở trong hoặc ngoài nước thì chỉ sau đó một thời gian, có thể tính bằng đơn vị giờ đã có thể trở thành xu hướng của người trẻ. Thay đổi kịp thời đại là tốt nhưng cái cần nhất là thay đổi ý thức để hội nhập hơn thì lại bị bỏ quên.

Còn nhớ, cách đây không lâu, giới trẻ cả nước sôi sùng sục với những cảnh quay mãn nhãn tại một ngôi chùa trong MV Lạc Trôi của Sơn Tùng MTV. Thế rồi chỉ sau vài ngày, ngôi chùa vốn tĩnh lặng, an yên ấy trở thành địa điểm giới trẻ truy lùng và tìm tới trải nghiệm cảm giác liêu trai để được một lần “lạc trôi giữa trời”. Sẽ chẳng ai phàn nàn khi thấy một thế hệ chăm đi, chăm khám phá nếu họ không đem theo nào ồn ào, nào hoang tàn, rác rến và vô vàn những thứ xấu xí, phản cảm tới. 

Nhiều người ví tuổi trẻ cũng như cơn bão, vội tới rồi vội đi, cái nó để lại là hậu quả nặng nề mà người khác phải nhọc công khôi phục nhiều ngày sau đó. Minh chứng rõ nhất là trong các sự kiện như đêm giao thừa, các lễ hội, các điểm vui chơi giải trí, hoặc đơn giản là cánh đồng hoa nào đó đang độ khoe sắc trót lọt vào tầm ngắm của giới trẻ thì y như rằng, sau đó cả nước sẽ được chứng kiến những tấm hình, những thước phim ghi lại bồn hoa, thảm cỏ bị dập nát, hay một “bãi chiến trường” rác mà người trẻ để lại. 

Chẳng nói đâu xa, vào mỗi tối, nhất là tối cuối tuần, thử đi ra Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM) sẽ thấy rác ngập ngụa từ đầu phố đến cuối phố, rác tràn bồn hoa, rác treo trên cành cây cảnh, hay rác vây xung quanh những nhóm nam thanh nữ tú đang ngồi tâm sự. Rác trở nên quen thuộc với các bạn trẻ đến mức sự hiện diện của nó khắp nơi cũng không hề làm giảm cuộc vui của các bạn. Ngược lại nhiều bạn lại cho rằng, đằng nào cũng nhiều rác nên mình có vứt thêm chút nữa cũng không sao.

Nếu ở nhiều nước, xếp hàng là thói quen bình thường thì ở nước ta, xếp hàng lại trở nên xa xỉ. Khi thế hệ trước không bắt kịp được xu thế, người ta trông chờ vào thế hệ trẻ để từng bước cải thiện văn hóa xếp hàng của người Việt, nhưng dường như điều này đang ngoài tầm với. Nếu nói giới trẻ Việt chưa có văn hóa xếp hàng thì không hẳn, bởi không thiếu cảnh những hàng người tuổi mười mấy đôi mươi xếp ngay ngắn trước cửa các tiệm trà sữa có tiếng để mua bằng được ly trà sữa yêu thích, hay hàng trăm bạn trẻ xếp thành hàng dài trước các cửa hàng thời trang để mua hàng giảm giá nhân dịp khuyến mãi hoặc khai trương… Rõ ràng, giới trẻ Việt đã có văn hóa xếp hàng, nhưng chỉ xếp hàng khi được yêu cầu, còn không thì mặc ai người đó chen.

Đó còn là hàng loạt hình ảnh xấu xí của người trẻ khi tham gia giao thông, như không đội nón bảo hiểm, leo lề, vượt đèn đỏ; là “mốt” thể hiện tình cảm quá đà nơi công cộng; là những kiểu gây sự chú ý bằng mọi cách… Dĩ nhiên sẽ có nhiều ý kiến biện minh rằng, thể hiện tình cảm nam nữ nơi công cộng ở thời đại ngày nay là quá thường, rằng hội nhập là phải như vậy, nhưng mỗi nền văn hóa có quan điểm khác nhau, hòa nhập nhưng đừng hòa tan. 

Tự giác - Hiếm lắm!

“Bạn gì ơi, quên đồ nè”, Trần Khánh Chi (sinh viên Đại học KHXH-NV TPHCM) nhắc nhẹ một bạn nam vừa bỏ ly nước dưới gốc cây ở Công viên Tao Đàn. Thoáng chút bối rối, bạn nam đành cười trừ rồi nhặt lại ly nước bỏ thùng rác cách đó chừng 10 bước chân. Khánh Chi cho biết: “Thi thoảng gặp ai đó có hành vi thiếu ý thức, tôi vẫn hay nhắc nhở. Cũng có người thấy sai thì sửa nhưng không ít người nhìn tôi với ánh mắt cười cợt, thậm chí còn cho rằng tôi nhiều chuyện, bao đồng. Tôi chấp nhận người ta nghĩ mình như vậy, chứ lặng im để trông chờ họ tự giác ư. Hiếm lắm!”.

Cách đây không lâu, trong một cuộc hội thảo về văn hóa ứng xử của giới trẻ trong thời kỳ hội nhập diễn ra tại TPHCM, vấn đề ý thức và sự tự giác cũng được đem ra mổ xẻ. Khi được hỏi, ai tự thấy mình làm tốt việc ứng xử văn hóa với môi trường và cộng đồng xung quanh, chỉ lác đác một vài cánh tay giữa hàng trăm sinh viên đưa lên, còn lại là không gian im ắng. Phát biểu tại hội thảo, Nguyễn Phạm Nguyên (sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) thừa nhận: “Thi thoảng tôi cũng tự nhủ, mình phải xếp hàng ở những nơi đông đúc, tránh bon chen nhưng khổ nỗi một mình mình xếp hàng thì người ta bảo… khùng. Vài lần như vậy, tôi đành kệ, ở đâu xếp hàng thì mình thực hiện, không thì người ta sao, mình vậy”. Suy nghĩ của Nguyên không hiếm, nó là đại diện cho hầu hết suy nghĩ của người Việt nói chung, chứ không riêng giới trẻ. Để rồi khi ai đó nhắc đến, mọi người lại đổ thừa “thiên hạ họ như vậy, biết phải làm sao”. Riêng Khánh Chi cho rằng: “Rèn luyện ý thức không khó, nếu trước khi thực hiện một hành động nào đó, hãy cho bản thân vài giây suy nghĩ, cân nhắc, tôi chắc rằng, đó sẽ là những giây quý giá với bạn và với cả cộng đồng. Hãy cứ làm khi mình thấy đúng, đừng để cái xấu lan tỏa lấn át cái tốt”.

Dĩ nhiên, vẫn có nhiều tấm gương về người trẻ mà chúng tôi được chứng kiến. đó là những bàn tay không ngại bẩn, ở lại cùng cô lao công nhặt rác sau đêm giao thừa; đó là những bạn gác lại niềm vui tắm biển, cùng nhau cầm túi đi lượm rác dọc bãi biển Nha Trang; là những sinh viên tập hợp thành nhóm nhặt rác ở các bồn hoa trong công viên và khu vực trung tâm TPHCM vào mỗi sáng cuối tuần hay những tấm bảng tuyên truyền tham gia giao thông của các cô cậu học trò vẫn cầm ở các giao lộ trong thành phố… Giá như ý thức ấy được phát huy và lan tỏa thì hẳn Việt Nam sẽ có một thế hệ trẻ hội nhập, tử tế và rất đáng tự hào.

Tin cùng chuyên mục