Chuyện “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương dự tính sẽ rời đơn vị Thái Nguyên để về đầu quân cho một địa phương nào đấy sau SEA Games 24 đang trở thành mối quan tâm của dư luận, đặc biệt là với đơn vị chủ quản của cô là ngành thể thao Thái Nguyên.

Liệu những bước chạy dũng mãnh của Vũ Thị Hương trong thời gian tới có bị khựng lại vì những tranh chấp mang tính cục bộ địa phương?
Có lẽ đơn vị Thái Nguyên chẳng muốn mất “con gà đẻ trứng vàng” này dù hợp đồng của Hương với Thái Nguyên đến cuối năm 2007 sẽ kết thúc, bởi thế trên một tờ báo có uy tín, ông Lưu Công Sơn - Giám đốc Sở TDTT Thái Nguyên đã mấp mé ý răn đe: “Hương có đi được khỏi Thái Nguyên hay không phải phụ thuộc vào quyết định của lãnh đạo tỉnh chứ không phải Sở TDTT vì cô là VĐV đẳng cấp”, đồng thời, ông Giám đốc này “kêu gọi” Hương nên nghĩ lại công đào tạo ban đầu của đơn vị này trước khi cô được lên đội tuyển.
Ngoài ra, Giám đốc Sở TDTT Thái Nguyên còn cho biết, Vũ Thị Hương là VĐV cấp cao của tỉnh này nên một tháng được trả... 2 triệu đồng. Tuy nhiên, Vũ Thị Hương lại rất bức xúc vì từ tháng 4 đến nay, cô chẳng nhận được đồng bạc nào.
***
Chuyện của Vũ Thị Hương khiến người viết không khỏi nhớ lại việc giành giật tay bơi số 1 Việt Nam Trương Ngọc Tuấn giữa đơn vị Bình Định và Hải Quân cách đây 10 năm.
Thời gian ấy, dù chẳng có hợp đồng, nhưng tay bơi Trương Ngọc Tuấn nghiễm nhiên là VĐV do Bình Định chủ quản bởi anh tập luyện và thi đấu cho đơn vị này từ nhỏ, và đơn vị này mỗi năm vẫn luôn dựa vào anh để mà báo cáo thành tích.
Tuy nhiên, thành tích của Ngọc Tuấn thì vẫn lấy để báo cáo, nhưng người thì Bình Định lại gần như “khoán trắng” cho đội tuyển quốc gia... nuôi dùm, và tiền lương hằng tháng lẽ ra Tuấn vẫn được hưởng thì đằng này, gần 2 năm anh ở đội tuyển thì đơn vị chủ quản Bình Định lại “quên” mất.
Đến khi Ngọc Tuấn bức xúc và xin đầu quân về đơn vị Hải Quân thì Bình Định mới hối hả cử người mang tiền lương vào, và lấy “cái tình” ra để mong anh suy nghĩ lại.
Kết quả, tay bơi này vẫn dứt khoát ra đi và thế là diễn ra một cuộc tranh chấp kéo dài giữa 2 đơn vị Bình Định và Hải quân, nhưng người lãnh hậu quả nặng nhất lại là... chàng tuyển thủ bơi lội số 1 Việt Nam khi bị “mắc cạn” suốt 2 năm trời không được thi đấu!
***
Trở lại chuyện của Vũ Thị Hương, nếu luận từ cái cách trả lời báo chí của ông Giám đốc Sở TDTT tỉnh Thái Nguyên thì dù hết hạn hợp đồng, việc Hương bỏ xứ than để về một đơn vị khác e chẳng dễ dàng.
Tuy nhiên, lý do có thể cản bước Hương, vì cô là “VĐV đẳng cấp” xem ra rất khó thuyết phục. Chỉ mỗi cái chuyện tuyển thủ cấp cao mỗi tháng chỉ được lãnh vỏn vẹn 2 triệu đồng xem ra đã không ổn, đó là chưa nói đến việc (nếu đúng như bức xúc của Vũ Thị Hương) gần 7 tháng trời cô không nhận được lương, thì dư luận không thể không đặt câu hỏi: không hiểu đơn vị chủ quản của “VĐV đẳng cấp” ấy đang đối xử với quân của mình theo... cấp nào?
Thể thao Việt Nam đang ngày càng đi theo hướng chuyên nghiệp, nên mong rằng những người cầm trịch ngành thể thao của các địa phương lẫn các đơn vị cũng hãy xử sự một cách sòng phẳng và chuyên nghiệp.
Nếu không đủ lực để nâng bước VĐV của mình thì hãy để họ tìm chân trời mới nhằm có thể tiếp tục bay cao, chứ đừng vì thành tích để báo cáo mỗi năm mà cố gắng tìm mọi cách để níu chân và “siết” chết những nhân tài, bởi tựu trung, thành tích của các tuyển thủ như Vũ Thị Hương đều là nhằm đóng góp vào sự lớn mạnh của thể thao nước nhà.
TUẤN THÀNH