Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết, chỉ riêng Hội Nhà văn TPHCM trong đợt dịch này có 3 nhà văn mất vì mắc Covid-19, hơn 20 hội viên mắc Covid-19 đã và đang điều trị.
“Nỗi đau do dịch bệnh gây ra quá lớn cho người dân, đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Không chỉ đề tài về Covid-19 mà đây còn là đề tài về số phận con người. Số phận con người quá nhỏ nhoi, quá mong manh trước đời sống”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Theo nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, qua đại dịch Covid-19, chúng ta nhìn thấy được rất nhiều vấn đề, mà nổi bật hơn cả là tấm lòng nhân hậu, sự hào hiệp, rộng lượng của người Việt Nam.
“Covid-19 là một đề tài khá rộng, tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi nhà văn, không nhất thiết nhà văn nào cũng phải viết về nó. Nếu ai cũng đổ xô viết, rất dễ tạo thành phong trào sáng tác về Covid-19, trở thành bình dân hóa, không còn là văn chương đúng nghĩa. Covid-19 giống như một khối rubic, tất cả mọi thứ: tốt xấu, cao thượng… đều hiện lên. Với văn chương, tính thời sự chỉ là sự khởi đầu, điều giúp nhà văn đi xa chính là số phận, thân phận con người”, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc bày tỏ.
Theo chia sẻ của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, sau khi dịch bệnh bùng phát ở Phú Yên, hội đã nhanh chóng thực hiện hai số tạp chí liên tiếp về chủ đề Covid-19 vào tháng 7 và tháng 8; đến đầu tháng 10 thì Ngày mai trời lại sáng chính thức ra mắt với nguồn tác phẩm từ tạp chí và vận động thêm. Ấn phẩm này sau đó được phát đến người dân và gửi các y, bác sĩ ở tuyến đầu.
Tuy nhiên, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo cho rằng, có thể ấn phẩm Ngày mai trời lại sáng mới dừng ở mục đích tuyên truyền, kịp thời đáp ứng giai đoạn đang nóng. “Để có những tác phẩm thực sự giá trị cần có độ lùi về thời gian, khi người viết có sự thẩm thấu và chiêm nghiệm nhất định, họ mới có đủ bình tĩnh để viết, từ đó có tác phẩm tốt”, Phó Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên cho biết.
Gần hai năm đã trôi qua, nhưng theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TPHCM, đến lúc này vẫn chưa có tác phẩm văn chương thực sự xứng tầm về dịch Covid-19. Chính vì văn chương chưa viết được gì nên các bộ môn nghệ thuật khác như điện ảnh cũng chưa thể làm gì. Trong khi đó, tại Trung Quốc đã có bộ phim truyền hình Sát cánh cùng nhau về Covid-19 dài 20 tập, được chuyển thể từ hai tác phẩm nổi tiếng là tự truyện Tôi đã đạp xe 260 cây số để chống dịch và truyện ngắn Tôi là Đại Liên. Hay bộ phim điện ảnh Chinese Doctors gây tiếng vang do Cục Điện ảnh Trung Quốc mời 5 nhà văn hàng đầu của đất nước này viết kịch bản.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, không phải nhà văn Việt Nam không có tài. Và Trung Quốc là một gợi ý rất tốt để các cơ quan quản lý văn hóa của Việt Nam cũng như từng nhà văn có cách chọn lựa cho mình khi viết về đề tài Covid-19. Nếu có sự đầu tư của cơ quan nhà nước, sự khuyến khích của các tổ chức đoàn thể cũng như sự nỗ lực của bản thân người cầm bút, tôi tin rằng chúng ta sẽ có tác phẩm lớn”.
Cùng chung quan điểm, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, nhà văn có tự trọng bao giờ cũng có sự chiêm nghiệm nhất định, có độ lùi để quan sát, có cái nhìn toàn cảnh rồi lúc đó mới viết.
“Tôi tin chúng ta sẽ có những tác phẩm xứng đáng, bởi vì không phải nhà văn Việt Nam không có tài, mà điều quan trọng là độ lùi về thời gian. Viết một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang không khó, nhưng viết như thế nào để nó đứng lại được mới khó”, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nói.