Sáng qua 31-3, HĐND tỉnh Hà Tây đã tiến hành kỳ họp bất thường để xem xét một số nội dung quan trọng, trong đó có việc quyết định sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, nhằm triển khai chủ trương mở rộng thủ đô Hà Nội. Đây là một cuộc họp được rất nhiều người quan tâm, chờ đợi bởi có liên quan đến hàng triệu người dân ở cả tỉnh Hà Tây và khu vực “Hà Nội mới”.
Sau khi ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, đọc tờ trình về việc hợp nhất tỉnh Hà Tây vào thủ đô Hà Nội, 100% đại biểu HĐND tỉnh Hà Tây đã biểu quyết nhất trí tán thành việc hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây vào Hà Nội.
Theo ông Cường, việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính và không gian về phía Tây trong thời điểm hiện nay là hợp lý, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng tăng và tạo quỹ đất cho việc xây dựng những công trình, dự án lớn, mang tầm vóc quốc gia, để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.
Tuy nhiên trong cuộc họp, cũng đã có nhiều đại biểu nêu những tâm tư, khúc mắc khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội. Đại biểu Nguyễn Đăng Kính, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh, cho rằng, nếu sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội thì có thể lặp lại “vết xe đổ” trước đây là nhiều khu vực “vùng sâu, vùng xa” của tỉnh Hà Tây sẽ bị “bỏ rơi”, “quên lãng”.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Bùi Xuân Hộ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tây, cho biết: “Điều làm người dân Hà Tây hiện rất băn khoăn là nếu sáp nhập vào Hà Nội rồi thì liệu lãnh đạo của Hà Nội có quan tâm đến đời sống của người dân ở những vùng sâu, vùng xa không? Bởi hiện nay, ngay như huyện Sóc Sơn của Hà Nội, nhiều nơi đời sống bà con vẫn rất nghèo khổ. Bởi vậy, để phát triển kinh tế-xã hội của “Hà Nội mới”, chính quyền “Hà Nội mới” phải quan tâm hơn tới người dân ở “vùng sâu, vùng xa”. Đặc biệt, lãnh đạo của Hà Tây và Hà Nội cần phải đoàn kết, thống nhất thành một khối.
Đại biểu Nguyễn Trường Tiền (Chương Mỹ) cho rằng, vấn đề tổ chức cán bộ sau khi sáp nhập Hà Tây-Hà Nội rất quan trọng. Theo ông Tiền, nhiều ý kiến đang cho rằng, khi sáp nhập thì cán bộ cấp tỉnh ở Hà Tây hiện nay sẽ chỉ được làm “phó” tại các cơ quan, công sở của Hà Nội? Để trả lời câu hỏi trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Thạch (Mỹ Đức) cho rằng, việc bố trí cán bộ giữa Hà Tây và Hà Nội, Trung ương cần phải bố trí hài hòa để tạo tính thống nhất và đoàn kết.
Được biết, trước đó vào ngày 23-3, 100% đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý nhập huyện Mê Linh về Hà Nội.
Ngày 27-3, HĐND TP Hà Nội và HĐND tỉnh Hòa Bình cũng nhất trí việc mở rộng thủ đô về phía Tây và sáp nhập 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vào Hà Nội.
Như vậy, đến nay tất cả HĐND các địa phương có liên quan đến việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính thủ đô đã biểu quyết nội dung được nêu ra trong tờ trình của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ.
V. Phúc