HĐND TPHCM họp chuyên đề “An toàn giao thông” - Giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt

Tăng cường phạt “nguội”
HĐND TPHCM họp chuyên đề “An toàn giao thông” - Giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt

Ngày 1-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM khóa VIII bàn về chuyên đề “An toàn giao thông” diễn ra với sự thảo luận sôi nổi của các đại biểu về các báo cáo và tờ trình của UBND TP và phiên chất vấn Phó Giám đốc Công an TPHCM Ngô Minh Châu và Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng, cùng ý kiến phát biểu ghi nhận của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân.

Tăng cường phạt “nguội”

Hầu hết các đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM đều đồng tình với báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2011 và kế hoạch thực hiện “Năm an toàn giao thông 2012” trên địa bàn TPHCM, do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trình bày vào buổi sáng 1-3, nhất là các nhóm giải pháp của UBND TPHCM.

Ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TPHCM đề xuất, phải xem việc giảm tai nạn giao thông là trách nhiệm, lương tâm của mỗi người và cơ quan chức năng phải thực hiện mức phạt cao nhất.

Theo ĐB Lâm Thiếu Quân, khi vi phạm giao thông, ngoài việc xử phạt người lái xe thì chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm liên đới và biện pháp xử phạt cần mở rộng nhằm tăng tính răn đe.

Có nhiều ý kiến đề xuất tăng cường phạt “nguội” qua hình ảnh. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là việc xử phạt bằng hình thức này chưa phổ biến và còn vướng về pháp lý, nên các ĐB đề nghị bổ sung các quy định để cơ quan chức năng có đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

Trong khi đó, theo ĐB Từ Minh Thiện, còn một vấn đề nên đặt ra để giải quyết là chính sách giải tỏa đền bù đối với dự án mở rộng lộ giới đường giúp giao thông thông thoáng chưa hợp lý, khiến các địa phương khó khăn trong việc thực hiện. Riêng hoạt động vận tải hành khách công cộng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người dân như chưa đảm bảo đúng giờ, luồng tuyến chưa được tổ chức khoa học, hợp lý nên cũng cần phải tính toán lại.

Có ĐB kiến nghị, để lập lại ATGT, dứt khoát phải xử lý các công trình giao thông thi công chây ì, vì hiện nay mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Phạt không đủ răn đe = Xem nhẹ tính mạng người dân

Nhìn nhận ở một góc độ khác, cử tri Hà Hạnh (quận 3) cho rằng, không phải hạ tầng cơ sở là nguyên nhân chính gây TNGT. Ông dẫn chứng, cũng là con đường đó, vào ngày lễ tết lượng xe lưu thông tăng gấp 10 lần, nhưng nếu điều tiết giao thông tốt thì không có vấn đề gì xảy ra. Theo ông, chính người điều khiển phương tiện giao thông là đối tượng cần tập trung giải quyết, cụ thể là ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. “Phải có biện pháp, phương pháp giáo dục tuyên truyền. Luật Giao thông đã có nhưng người dân đã hiểu hết chưa? Trường hợp tuyên truyền không “thấm” thì phải phạt, thậm chí phạt nặng. Nếu đặt vấn đề giải quyết không đúng sẽ khó thành công. Việc phạt không nặng, không đủ sức răn đe cũng đồng nghĩa với việc coi nhẹ tính mạng của người dân”, ông Hạnh nói.

ĐB Trần Văn Thiện nhận xét: Những vấn đề căn bản giao thông TP chưa đảm bảo tính bền vững, từ vấn đề nhỏ như đèn tín hiệu giao thông chưa đồng bộ, khoa học cũng góp phần gây trở ngại cho người tham gia giao thông nên cần phải được chấn chỉnh.

Trả lại lòng đường, vỉa hè cho lưu thông

Buổi chiều diễn ra phiên chất vấn với phần trả lời của Phó Giám đốc Công an TP Ngô Minh Châu và Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng. Trong đó nổi bật là các câu hỏi về vấn đề: phương án chấn chỉnh các bãi đậu xe trên vỉa hè tại TP; vấn đề quy định xây dựng nhà cao tầng phải đảm bảo diện tích bãi đậu xe; tiến độ các dự án bãi đậu xe ngầm…

Các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng: Hiện nay bao nhiêu phần trăm nhà cao tầng ở TPHCM đảm bảo diện tích để xe, chất lượng những bãi đậu này thế nào? Việc quản lòng lề đường ở TP ra sao? Tình trạng xe quá tải vào nội đô còn diễn ra nhiều, TP có kế hoạch gì để chấn chỉnh triệt để, vì chính những xe quá tải này là tác nhân quan trọng khiến nhiều tuyến đường mau xuống cấp, TNGT diễn ra nhiều? Đối với các dự án bãi đậu xe ngầm còn đang vướng víu về thủ tục, TP sẽ xử lý như thế nào và bao lâu sẽ khởi công?

Trả lời các câu hỏi chất vấn, ông Trần Quang Phượng cho biết, các bãi đậu xe trên vỉa hè UBND TP đã giao cho UBND quận, huyện quản lý. Trước tình trạng quá tải chỗ để xe, UBND TP chủ trương cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè và lòng đường để đậu xe, khi mật độ xe lưu thông ngày càng tăng thì đã điều chỉnh rút bớt giấy phép các điểm đậu xe dưới lòng đường để đảm bảo lưu thông.

Ông Phượng nhấn mạnh: “Về lâu dài sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè để đậu, giữ xe, phải trả lại lòng đường, vỉa hè cho lưu thông”. Nhìn nhận các dự án xây dựng các bãi giữ xe ngầm tại TPHCM đang chậm tiến độ, nhưng ông Phượng cho rằng, quan điểm của Sở GTVT là tạo điều kiện giải quyết mọi vướng mắc để các dự án này sớm đưa vào hoạt động. TPHCM đã quy hoạch các bãi giữ xe ngầm và nổi tại các khu vực. Khi các bãi giữ xe này đi vào khai thác mới có thể chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để đậu, giữ xe.

Ông Phượng cho biết thêm, theo Sở Xây dựng, đến tháng 4-2011, ở trung tâm TP có tổng cộng 79 công trình nhà cao tầng, trong đó có 14 công trình đủ chỗ để xe, 59 công trình không đảm bảo diện tích, 6 công trình không có chỗ đỗ xe.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Sở GTVT và UBND TP cung cấp thêm thông tin liên quan đến các công trình xây dựng mà không đảm bảo bãi đậu xe, quyết tâm của TP trong vấn đề này thế nào.

Ông Trần Quang Phượng khẳng định: UBND TP mới ra Quyết định 87 giao nhiệm vụ cho UBND các quận huyện và Sở Xây dựng phải đảm bảo bãi đậu xe cho các công trình cao tầng, lấy ý kiến của Sở GTVT khi cấp giấy phép và xử lý mạnh các vi phạm.

Trong nội dung chất vấn liên quan đến phần trách nhiệm của lực lượng công an, Đại tá Ngô Minh Châu - Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, đến cuối năm nay, lực lượng sẽ được tăng thêm 1.000 CSGT; xử phạt qua camera cũng có hiệu quả với hơn 15.000 trường hợp phạt nguội, chủ yếu là xe ô tô; việc tăng cường xử phạt qua kiểm tra máy đo nồng độ cồn cũng rất hiệu quả, kéo giảm tai nạn giao thông.

Trả lời chất vấn của ĐB Võ Anh Dũng về việc quản lý 6,5 triệu phương tiện giao thông sao cho đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông, ông Ngô Minh Châu cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và tăng cường tuần tra của lực lượng CSGT ở các tuyến đường.

  • Thông qua 3 nghị quyết lập lại trật tự an toàn giao thông

Đối với Nghị quyết về thí điểm áp dụng biện pháp xử phạt tịch thu xe đối với một số hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội trên địa bàn TP, thống nhất việc UBND TP kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho phép TPHCM được thí điểm thực hiện xử phạt tịch thu xe ngay lần đầu tiên vi phạm đối với 8 trường hợp vi phạm bất kể chủ sở hữu; đồng thời kiến nghị xem xét bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành.

Giao UBND TP trong khi chờ ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho phép TPHCM được thí điểm thực hiện xử phạt tịch thu xe, UBND TP cần chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện tốt các giải pháp thực hiện “Năm an toàn giao thông 2012”.

Nghị quyết về việc tăng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ trên địa bàn TP có hiệu lực thi hành 10 ngày sau khi kỳ họp thông qua, có nội dung đáng chú ý như: Tăng mức phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện tạm giữ trên địa bàn TP là 500.000 đồng/ngày/chiếc với 8 hành vi vi phạm theo tờ trình của UBND TP.

Cụ thể: điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên; bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; điều khiển xe chạy thành đoàn gây cản trở giao thông; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; buông cả 2 tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên xe điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe chạy bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh, chạy bằng 2 bánh đối với xe 3 bánh; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.

Riêng Nghị quyết về kế hoạch thực hiện “An toàn giao thông năm 2012” thông qua các chỉ tiêu kéo giảm 10% tai nạn giao thông trên 3 mặt: số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút so với năm 2011, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đua xe trái phép, vi phạm Luật Giao thông. 100% xã, phường, thị trấn đồng loạt ra quân và triển khai liên tục có hiệu quả “Năm an toàn giao thông 2012”. Bổ sung kế hoạch giao vốn đợt 1 năm 2012 về đầu tư dự án mở rộng đoạn quốc lộ 1A từ nút giao thông Tân Kiên (Bình Chánh) đến ranh tỉnh Long An, dài 7,4km với vốn đầu tư ước tính 180 tỷ đồng.

  • Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: Bố trí hơn 5.879 tỷ đồng cho ngành giao thông

TPHCM lấy năm 2012 làm năm bản lề, tạo bước đột phá trong thực hiện chương trình hành động kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông đến năm 2015 và những năm sau trên địa bàn TP, đặc biệt là giảm thấp nhất số người chết, số người bị thương do TNGT gây ra.

Bên cạnh việc huy động các nguồn vốn đầu tư, TPHCM đã ưu tiên bố trí vốn ngân sách năm 2012 cho ngành giao thông với tổng kinh phí hơn 5.879 tỷ đồng (chiếm đến 46% nguồn vốn ngân sách TP dành cho đầu tư xây dựng cơ bản đợt 1 năm 2012) để triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như lắp đặt giải phân cách 12 tuyến đường lớn, mở rộng lòng đường 16 tuyến, hoàn thiện hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 65 giao lộ, xử lý điểm đen về TNGT, ùn tắc giao thông. Phấn đấu hoàn thành 90 công trình cấp bách trước 30-4-2012.

TP cũng sẽ ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ODA để đẩy nhanh tiến độ các dự án có quy mô lớn như tuyến vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, xa lộ Hà Nội, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương… Về lâu dài, phải tập trung hoàn thành đề án xây dựng Trung tâm điều hành giao thông đô thị hiện đại. Trước mắt phát huy hiệu quả các chương trình an toàn giao thông trên các cơ quan thông tin, báo đài của Trung ương và thành phố.

Vân Anh – Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục