Hệ lụy lớn từ gian lận xuất xứ hàng hóa

Mới đây, Công ty TNHH Xe đạp Excel (100% vốn đầu tư từ Trung Quốc) bị Tổng cục Hải quan phát hiện nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam, chỉ lắp ráp đơn giản, không gia công, nhưng lại lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm hưởng thuế suất ưu đãi. 

Đây không phải doanh nghiệp duy nhất, mà theo Tổng cục Hải quan, hiện còn có 24 doanh nghiệp nằm trong “tầm ngắm” và cơ quan này cũng đã công bố một loạt doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc có dấu hiệu gian lận xuất xứ. 

Do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, từ năm 2019 đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam bị nước nhập khẩu cảnh báo nguy cơ gian lận xuất xứ. Điều đáng lo là hiện nay, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vươn lên hàng đầu trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Và điều này đang tiềm ẩn nguy cơ gian lận xuất xứ, mang vỏ bọc đầu tư để xuất hàng đi Mỹ nhằm “né” thuế. 

Gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa có thể diễn ra với những hình thức khác nhau, từ làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đến việc doanh nghiệp chỉ thực hiện các công đoạn gia công đơn giản, chưa đủ đáp ứng tiêu chí xuất xứ, nhưng vẫn khai báo đáp ứng để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Trước đây, hành vi gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa diễn ra khá ít, nhưng mới đây, Bộ Công thương cảnh báo, hành vi này bắt đầu gia tăng phức tạp. Ngoài ra, nếu lúc trước hành vi gian lận chủ yếu nhằm vào các loại C/O ưu đãi để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), thì nay, trong bối cảnh các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng gắt gao, các hành vi gian lận chuyển sang cả các loại C/O không ưu đãi, nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp trừng phạt (ví dụ đánh thuế chống phá giá, thuế đối kháng hoặc thuế tự vệ).

Theo nhận định, trong năm 2020, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế vẫn chưa giảm, càng làm gia tăng nguy cơ gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa. Do đó, nguy cơ hàng hóa của nước bị áp thuế cao sẽ tìm cách “đi đường vòng” qua nước thứ ba sẽ còn tiếp diễn. Tháng 7-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và ban hành kế hoạch hành động chi tiết, tập trung vào các nhiệm vụ: xây dựng danh sách cảnh báo, tăng cường trao đổi thông tin, kiểm tra hoạt động cấp C/O đối với một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến… Những nỗ lực của Việt Nam đã được các đối tác nhập khẩu đánh giá cao, nên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vẫn không ngừng mở rộng, đạt kim ngạch lớn. 

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, công tác đấu tranh ngăn chặn gian lận xuất xứ vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chế tài xử lý quá nhẹ (làm giả C/O chỉ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, sử dụng C/O giả cũng chỉ bị phạt cao nhất 50 triệu đồng). Điều đó cho thấy, để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa gia tăng, việc tăng chế tài xử lý là cần thiết.

Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần phải chung tay với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn những hành vi gian lận xuất xứ, gian lận thương mại; thận trọng khi đầu tư sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng đang có nguy cơ bị áp thuế; cân nhắc khi mở rộng đầu tư, sản xuất các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ ba…

Làm được điều đó nghĩa là doanh nghiệp bảo vệ được chính mình cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác. Ở góc độ Bộ Công thương, cơ quan chuyên ngành này cần có những cảnh báo sớm tới cộng đồng doanh nghiệp; sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thích hợp nhằm ứng phó với các vụ kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường dự báo để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.

Tin cùng chuyên mục