Hệ lụy ngủ ngày, thức đêm

Sau một ngày làm việc tất bật, vất vả, thay vì nghỉ ngơi lấy lại sức, cân bằng nhịp sống thì hiện nay, phần lớn người trẻ lại liên tục đắm chìm vào các cuộc vui chơi, cà phê tán gẫu xuyên đêm, xem phim, lướt mạng xã hội… Từ đó, hoạt động sinh học của cơ thể bị thay đổi, lâu dần phát sinh nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Chăm chăm lướt mạng - cảnh thường thấy tại các quán cà phê dù đã về khuya. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chăm chăm lướt mạng - cảnh thường thấy tại các quán cà phê dù đã về khuya. Ảnh: HOÀNG HÙNG

1.001 kiểu “cú đêm”

Sau một ngày làm việc mệt mỏi và áp lực, thay vì thưởng cho bản thân một giấc ngủ thật sâu thì Đức Phúc (27 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) lại chọn cách đến quán cà phê tại khu vực trung tâm TPHCM ngồi lướt mạng. Phúc kể, gần 7 tháng nay, để xả căng thẳng, cứ 19 giờ mỗi ngày là Phúc lại mang máy tính xách tay ra quán cà phê ngồi đọc báo, xem YouTube, TikTok đến gần 1 giờ sáng hôm sau mới về ngủ.

“Làm việc trong môi trường áp lực và đầy tiếng ồn, nên tối đến mình cần không gian thoáng đãng, yên tĩnh để thư giãn. Mình đã quen với giấc ngủ muộn nên giờ đi ngủ sớm rất khó”, Phúc bày tỏ.

Từng làm “cú đêm” như Phúc, Hoàng Yến Nhi (29 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đang phải gánh chịu hậu quả do thói quen này gây ra. Nhi kể: “Do tính chất công việc cần trao đổi với đối tác nước ngoài nên hầu như gần 1 năm trước, tôi thường làm việc xuyên đêm. Thức làm việc và đói nên ăn uống cũng thiếu điều độ. Ban đầu, bản thân cảm thấy đủ năng lượng và thoải mái làm việc, nhưng dần dần cơ thể tăng cân chóng mặt, da mặt nổi nhiều mụn”.

Giờ đây, tuy da mặt và cân nặng đã dần được kiểm soát nhưng Nhi đã phải tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian để thăm khám bác sĩ do hậu quả “sống về đêm” gây ra.

Ghi nhận tại các cơ sở y tế cho thấy, số người trẻ đến thăm khám các bệnh như suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, căng thẳng thần kinh, thiếu tập trung, trầm cảm... có nguyên nhân xuất phát do “sống về đêm” ngày càng tăng.

Các chuyên gia y tế nhận xét, cuộc sống hiện đại, nhiều áp lực, nhiều tương tác trong đời sống thực và mạng xã hội khiến người trẻ dễ căng thẳng, thiếu cân bằng nhịp sống sinh học. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, bia rượu, thậm chí cả chất gây nghiện, cũng tác động rất lớn đến sức khỏe, khiến một bộ phận người trẻ tự đảo lộn nhịp sống, lấy ngày làm đêm và ngược lại.

Chỉ thấy hại!

Bác sĩ CKI Hoàng Minh Dũng, chuyên gia trong lĩnh vực cấp cứu hồi sức, cho rằng, việc thức khuya thường xuyên hoặc thay đổi giấc ngủ sinh học có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, có thể gây những bệnh lý như: tăng huyết áp, tăng cân, béo phì, bệnh tiểu đường, trầm cảm và lo âu, mất trí nhớ, thiếu hụt hệ thống miễn dịch, giảm khả năng sinh sản, rối loạn tâm thần, tổn thương da… Ngoài ra, việc ngủ muộn còn khiến cơ thể dễ mắc các bệnh lý về tim mạch, và đặc biệt là đối mặt với nguy cơ đột quỵ.

Thực tế cho thấy, thức khuya làm cho não và các cơ quan khác trong cơ thể bị thay đổi giờ giấc sinh lý một cách bất thường, mà giấc ngủ c ó tác động lớn đến não, gây sự xáo trộn thường xuyên của bộ não, vì vậy tác động lớn đến sức khỏe của chúng ta. Ngoài ra, việc thức quá khuya cũng gây ra tình trạng mất tập trung, chóng mặt vào ban ngày, ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt, làm tăng nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), lưu ý.

Thầy thuốc ưu tú, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), chia sẻ, việc thức quá khuya trong thời gian dài sẽ là yếu tố thúc đẩy dẫn đến đột quỵ. Vấn đề này càng dễ xảy ra đối với các bệnh nhân có bệnh nền cao huyết áp hay tim mạch.

Trước những tác hại của việc thức khuya, bác sĩ Hoàng Minh Dũng khuyến cáo cần tập thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh dùng các chất kích thích trước khi đi ngủ. Riêng đối với những người làm việc ở môi trường có tính chất cần thức khuya hoặc không thể ngủ vào ban đêm, cần tự điều chỉnh như giữ lịch trình giấc ngủ nhất quán hay đặt mục tiêu ngủ sâu 8 tiếng…

“Nếu nhận thức rằng đêm thức thì sáng có thể ngủ bù là điều hoàn toàn sai, vì giấc ngủ bù không thể bù đắp và thay thế được giấc ngủ sinh học và có thể phản tác dụng khi thay đổi nhịp sinh học”, bác sĩ Hoàng Minh Dũng cảnh báo.

Tin cùng chuyên mục