Hàng trăm khu đất thuộc các phương án đầu tư hạ tầng phân lô tách thửa theo Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của UBND TPHCM “Quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa” (Quyết định 33) tại các xã của huyện Hóc Môn và Bình Chánh buộc phải dừng thực hiện sau khi phát hiện có nhiều sai sót trong quá trình triển khai. Hệ lụy từ việc lợi dụng Quyết định 33 gây tác động nhiều mặt đến công tác quản lý xây dựng trên địa bàn và làm cho hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì số tiền lớn bỏ ra có nguy cơ mất trắng…
Đứng ngồi không yên
Ông Nguyễn Phước Quyền, chủ đầu tư phương án hạ tầng trên thửa đất 569, 570 thuộc ấp 1, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đưa chúng tôi xem hồ sơ khu đất đã được chuyển mục đích sử dụng, phê duyệt phương án đầu tư, cấp phép xây dựng… Thế nhưng, công trình đang thi công hạ tầng và xây nhà ở thì buộc phải ngưng từ tháng 3 đến nay với lý do chờ quyết định của UBND huyện Bình Chánh. Cũng như các khu phương án hạ tầng khác và nhiều nhà dân xung quanh, khu phương án hạ tầng của ông Quyền đều không kết nối được với hệ thống hạ tầng đường Vĩnh Lộc, vì tuyến đường này chưa có hạ tầng. Theo ông Quyền, căn cứ Quyết định 33 thì tất cả khu này đều sai, và không biết đến bao giờ mới khắc phục để được làm tiếp. Không những thế, khi công trình bị ngưng thi công, ông Quyền dựng tạm khung sắt, lợp tôn trên diện tích hơn 30m² trong khu đất để chứa xi măng, sắt thép thì bị UBND xã Vĩnh Lộc B lập biên bản, sau đó ra quyết định buộc tháo dỡ. Chưa biết xoay xở ra sao thì UBND xã Vĩnh Lộc B ra tiếp quyết định cưỡng chế và thông báo thực hiện trong ngày 13-6…
Ông Nguyễn Phước Quyền, chủ phương án đầu tư hạ tầng ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, đưa chúng tôi xem hồ sơ khu đất đã bị ngừng thi công nhiều tháng qua. Ảnh: HOÀI NAM
Xã Vĩnh Lộc B còn có nhiều chủ đầu tư phương án hạ tầng nhiều tháng qua đứng ngồi không yên vì phải dừng thực hiện, dù có khu đã hoàn thiện hạ tầng, đang xây dựng nhà ở. Anh Lê Phước Lộc, chủ đầu tư khu phương án hạ tầng tại ấp 3, bức xúc nói: “Đầu tư vô đây gần 10 tỷ đồng, chưa xây dựng được căn nhà nào thì bị ngưng thi công, trong khi lãi vay ngân hàng tháng nào cũng phải trả. Kéo dài kiểu này thiệt hại cho dân quá…”.
Tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), nhiều người dân cũng đứng ngồi không yên khi đổ tiền vào mua đất tại các khu phương án hạ tầng để xây nhà ở. Ông Nguyễn Hòa mua một lô đất 60m² (4x12m) tại một khu phương án hạ tầng trên đường TTT 5, ấp Tam Đông 1 với giá 600 triệu đồng, từ tháng 3 đến nay không xây được nhà vì có lệnh ngưng của UBND huyện Hóc Môn. Ông Hòa nói: “Thấy báo đăng các khu phương án hạ tầng đều sai so với Quyết định 33, tôi mới tá hỏa đòi lại tiền nhưng chủ đầu tư không chịu. Tại sao biết sai mà chính quyền vẫn cho chủ đầu tư làm, để giờ người dân phải chịu thiệt?”.
Chính quyền sai sao bắt dân chịu?
Đó là câu hỏi mà nhiều người dân đặt ra cho chúng tôi khi nói về những sai phạm tại các khu phương án hạ tầng đã không được chính quyền địa phương phát hiện, xử lý ngay từ đầu, để người dân bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư hoặc mua nhà để ở, giờ phải chịu quá nhiều thiệt hại. Ông Nguyễn Nguyên Hà, ngụ ấp Tam Đông 2, bức xúc nói: “Sai phạm trong thực hiện Quyết định 33 không chỉ khi báo chí lên tiếng chính quyền mới biết, mà người dân ở đây ai cũng biết có sự tiếp tay, hoặc làm ngơ của chính quyền từ ấp đến xã và cả huyện nữa. Ai cũng biết tuyến đường TTT 5, Trịnh Thị Miếng đã có hạ tầng gì đâu và đất đều là đất nông nghiệp, thế nhưng không hiểu sao họ vẫn làm được. Hay các khu nhà “3 chung” (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà - PV), chính quyền biết là sai nhưng vẫn làm ngơ cho đầu nậu chuyển nhượng đất đai, san lấp mặt bằng và xây dựng hàng trăm căn nhà bán cho dân. Hậu quả là nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân đang sống bất hợp pháp trong căn nhà hàng trăm triệu đồng mà mình bỏ ra mua. Những căn nhà trong các phương án hạ tầng rồi đây cũng chịu cảnh như những căn nhà “3 chung” thôi…”.
Theo ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, sau khi đoàn kiểm tra của Thành ủy tiến hành kiểm tra và phát hiện một số sai phạm trong thực hiện Quyết định 33 trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo ngưng, nhưng thực tế có ngưng hay không phải kiểm tra mới biết được. Phần lớn trong số gần 300 phương án hạ tầng phát hiện có sai phạm, chủ yếu là tách thửa trên đất nông nghiệp, không kết nối được hạ tầng, không có cây xanh… Huyện đang mong thành phố sớm kết luận sai phạm, xử lý những cá nhân, tổ chức liên quan và có hướng khắc phục, chấn chỉnh theo Quyết định 33 để người dân đỡ khổ.
| |
HOÀI NAM