Hoàng Anh Gia Lai với cúp C1 châu Á

Hệ quả đáng buồn

Bản thân các nhà tổ chức của Champions League châu Á cũng phải dùng từ “kỷ lục siêu đẳng” khi nói về việc HA.GL chỉ mới có một lần phải nhận thẻ vàng cho đến thời điểm trước trận lượt về với Suwon (Hàn Quốc). Thẻ vàng này là của trung vệ Nguyễn Bá Khôi. Đấy là chuyện lạ lùng thứ nhất.

Chuyện này càng lạ hơn khi cho đến nay, HA.GL chưa có một điểm nào, ghi chỉ đúng 1 bàn thắng nhưng đã thủng lưới đến 24 bàn (trung bình 5 bàn/trận).

Chúng ta sẽ giải thích như thế nào về việc một đội bóng luôn bị tấn công, luôn bị ghi bàn, luôn phải tìm cách hạn chế bàn thua mà lại chỉ mới có nhận 1 thẻ vàng? Có một điều gì đó không hợp lý khi so sánh các con số trên.

  • Đâu là lý do?
Hệ quả đáng buồn ảnh 1

Tiền vệ Nguyễn Văn Kiệt (21, HA.GL) nỗ lực đi bóng trước các hậu vệ của Suwon Bluewings (Hàn Quốc).

Để lý giải cho việc tại sao HA.GL thủng lưới nhiều mà lại ít thẻ vàng, ta có một kết luận thứ nhất: HA.GL không quan tâm đến việc thủng lưới bao nhiêu bàn. Họ vẫn sẵn sàng tung quân đá sòng phẳng với các đối thủ. Thông thường, một đội bóng chơi tấn công thì ít có chuyện nhận thẻ. Như có lần bầu Đức trả lời phỏng vấn báo chí rằng HA.GL tham gia sân chơi châu Á với quyết tâm kiểm tra mình. Họ vẫn quyết tâm và để thua thật nhiều như thể muốn xác định lại vị trí của mình trong sân chơi lớn.

Nhưng nói gì thì nói, các bàn thua quá nhiều và việc chỉ có 1 thẻ vàng khiến bất cứ ai cũng có thể đưa ra ngay một nhận xét: HA.GL quá cẩu thả khi chơi ở sân chơi C1. Chính sự quá thoải mái của họ là nguyên nhân khiến cho các cầu thủ không quyết liệt với từng đường bóng và đương nhiên, khi không có “máu ăn thua” thì chắc chắn làm gì có chuyện nhận thẻ!

Nhưng chúng ta có thể đưa ra lý giải khác: HA.GL vẫn có ý dưỡng quân cho V-League. Chính vì vậy, BHL có chỉ đạo không đá rắn khi không cần thiết. Càng ít phạm lỗi, phạm lỗi nhẹ thì càng ít nhận thẻ. Đương nhiên, có những trận đấu mang tính đối kháng cao vẫn có rất ít thẻ nhưng điều này chỉ xảy ra trong một vài trận đấu chứ không phải 4-5 trận như của HA.GL, nhất là đấy đều là những trận thua đến “vỡ mặt’.

Tóm lại, rõ ràng HA.GL đã không được chuẩn bị tốt khi tham dự sân chơi quá lớn, nhất là họ lại rơi vào “bảng tử thần” với 3 đại diện khổng lồ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Những chuyến du đấu trở thành các chuyến du lịch hạng sang.

  • Hệ quả đau buồn

Khi HA.GL không chuẩn bị tốt, khi họ thua nhiều, quá nhiều và con số thẻ vàng nói lên rằng họ cũng thua đối phương cả ở quyết tâm và tinh thần thi đấu thì hầu như HA.GL “mất trắng” trong cuộc chơi này.

Hệ quả đầu tiên, HA.GL cũng chẳng giữ được nét tinh anh, tinh thần chiến đấu, khát vọng chiến thắng tại V-League. Đi kèm phong độ tệ hại ở Cúp C1 là các trận đấu vô hồn ở V-League. Mùa bóng 2005 giống như là điểm khởi đầu cho một thời đoạn thoái trào của đội bóng Phố núi.

Lãnh đạo đội bóng cũng đưa ra nhiều lý giải, ví dụ như đây là mùa bóng mà HA.GL chuẩn bị cho tương lai hoặc CLB đang có sự thay đổi về chất lượng đội hình. Thế nhưng, rất nhiều người buồn lòng về phong độ và có thể là cả thái độ thi đấu của HA.GL tại đấu trường châu Á. Một cuộc chơi tưởng chừng là có ích lại bỗng trở thành nơi phô bày các điểm yếu lớn nhất của HA.GL.

Không một nhà vô địch nào lại có thể đăng quang nếu như họ chơi bóng mà thiếu khát vọng.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục