Những năm qua, TPHCM đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hàng loạt công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước. Tuy nhiên, hiện nay tại một số tuyến bờ bao xung yếu vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng và gia cố nên rất dễ xảy ra tràn, vỡ bờ khi mùa mưa bão đến hoặc triều cường lên cao.
Nguy cơ vỡ và tràn bờ
Ghi nhận của chúng tôi ngày 28-5, tại một số tuyến bờ bao Rạch Bằng Hòn, Rạch Đĩa, Ao cá Bác Hồ (Thủ Đức)… vẫn còn nguy cơ xảy ra tràn, vỡ bờ bao khi có mưa lớn và triều cường dâng cao. Bởi lẽ, hiện nay hệ thống bờ bao ở những khu vực này chủ yếu được gia cố bằng đất bùn lấy từ dưới lòng sông, rạch lên nên chưa đảm bảo an toàn.
Chưa hết, một số đoạn bờ bao dù được đầu tư gia cố bằng bê tông tường chắn nhưng quá mỏng và thiếu kiểm tra, gia cố thường xuyên nên dọc hệ thống chân bờ bao bị hẫng khó có thể chống chọi nổi với lực đẩy của nước khi triều cường lớn. Đơn cử như đoạn bờ bao khu vực cầu Bà Cả thuộc Rạch Đĩa (khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước) và bờ bao Rạch Võ (khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), hệ thống tường chắn bờ bao chỉ có độ dày khoảng 10cm, trong khi phần chân bờ bao đang bị xói mòn lại không được gia cố.
Ông Trần Hữu Hưng, tổ trưởng tổ 1, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức lo lắng: “Dù tuyến bờ bao Rạch Đĩa từng bị vỡ và được chính quyền địa phương gia cố bằng cừ tràm, đắp đất bùn nhưng hiện nay đã xuất hiện nhiều lỗ thủng nhỏ có thể xảy ra vỡ bờ bất cứ lúc nào. Để không xảy ra tình trạng tràn, vỡ bờ bao khi triều cường dâng cao, thành phố cần đầu tư xây dựng hệ thống bờ bao bằng bê tông tường chắn vững chắc với phần chân rộng chứ không nên làm theo kiểu chữa cháy như lâu nay. Có như vậy, may ra hệ thống bờ bao mới chống chọi nổi với nước triều”.
Bên cạnh đó, hiện nay tiến độ thi công các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn ở một số quận, huyện như: quận 9, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ… triển khai khá chậm rất dễ xảy ra tràn, vỡ bờ bao khi mưa lớn và triều cường dâng cao.
Đơn cử như đoạn bờ bao rạch Ông Đụng (khu phố 3, phường Thạnh Xuân, quận 12), thuộc gói thầu 5A của Dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn, dù được triển khai thi công nhiều năm nay nhưng đến nay đơn vị thi công chỉ mới dừng ở việc chở đất cát về đổ nền đường ngổn ngang và chỉ thi công ở mức cầm chừng.
Thêm giải pháp chống triều cường, mưa lớn
Trước tình hình nói trên, tháng 3 vừa qua, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương và giải pháp kỹ thuật triển khai đầu tư 59 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn năm 2011 cho 10 quận, huyện. Đồng thời, yêu cầu UBND các quận, huyện; Sở NN-PTNT đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê bao ven sông Sài Gòn và các cống kiểm soát triều để giải quyết cơ bản tình trạng ngập do triều cường cho các khu vực quận 12, Thủ Đức và huyện Hóc Môn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín vừa ký ban hành quyết định về phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn TP. Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng ban hành chỉ thị về việc triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó các sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2011 trên địa bàn TP.
Trong đó, Chủ tịch UBND chỉ đạo các quận, huyện tập trung thi công, nâng cấp, nạo vét hệ thống kênh mương, cống rãnh theo phân cấp; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, các quận, huyện ven sông Sài Gòn cần tăng cường kiểm tra bờ bao, các vị trí có nguy cơ sạt lở để giải quyết ngay, không để xảy ra thiệt hại.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, tính đến cuối năm 2010, TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 180 công trình với tổng chiều dài hơn 160.000m bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước. |
Đình Lý