Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) đang có đợt khảo sát tình hình hoạt động của hệ thống bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) trên toàn quốc. Kể từ khi tách khỏi viễn thông, ngành bưu chính Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và được xem là ngành có năng suất lao động bình quân thấp nhất hiện này. Đặc biệt là hệ thống BĐVHX, hiện đang có quá nhiều vấn đề cần xem xét lại. Nếu không nói là hệ thống này đang có nguy cơ bị xóa sổ...
Vắng khách và thua lỗ
Hai cuộc khảo sát mới nhất của Bộ TT-TT ở Đồng Nai và Long An cho thấy, đa số các điểm BĐVHX đều giống nhau ở chỗ vắng khách, thu nhập của nhân viên thấp, các dịch vụ bưu chính ít người sử dụng, hoạt động kém hiệu quả.
Ở Long An, toàn tỉnh có 176 điểm BĐVHX. Đến thời điểm hiện tại đã có 21 điểm ngưng hoạt động, chủ yếu là những điểm nằm rải rác ở vùng ven thuộc địa bàn huyện Bến Lức, huyện Thủ Thừa... Trong số các điểm còn đang hoạt động thì có gần 30 điểm có nguy cơ sẽ đóng cửa. Các cuộc khảo sát ở miền Bắc, miền Trung cũng cho những kết quả tương tự.
Bộ TT-TT khẳng định: sự yếu kém của mô hình này là do chưa kịp thay đổi để phù hợp với thực tế. Trên toàn quốc, tính ở thời điểm này có khoảng 8.000 điểm BĐVHX mà số điểm có doanh thu dưới 500.000 đồng/tháng chiếm quá nửa.
Theo thống kê, hầu hết các điểm này đều mở cửa mỗi ngày hơn 6 tiếng, nhưng lượng khách sử dụng các dịch vụ viễn thông bưu chính ở đây rất thấp. Chính vì doanh thu thấp, nên đời sống của cán bộ công nhân viên thuộc hệ thống này cũng thấp, nếu không nói là bấp bênh.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng, việc cung cấp dịch vụ bưu chính cho người dân không thể tính bằng tiền. Vì thế, thời gian tới, cần chuyển đổi theo hướng: những điểm dân cư phát triển, không cần thiết nữa thì sẽ mạnh dạn bỏ, trong khi những điểm dân cư khó khăn thì phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoạt động của điểm BĐVHX và không vì mục đích kinh doanh...
Bổ sung công năng
Vấn đề ngành bưu chính nói chung và hệ thống BĐVHX nói riêng trong mấy năm gần đây luôn là đề tài nổi cộm trong quá trình phát triển của toàn ngành TT-TT Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, các cuộc khảo sát do Bộ TT-TT tiến hành nhằm nắm rõ tình hình hoạt động của các điểm BĐVHX, ghi nhận những ý kiến đóng góp từ phía các cán bộ, nhân viên trong ngành và kiến nghị của Sở TT-TT địa phương, từ đó góp phần xây dựng nội dung cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc về BĐVHX dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. Mục đích tìm ra hướng giải quyết cho các điểm BĐVHX, hoặc là ngưng hoạt động, hoặc là nếu tiếp tục duy trì hoạt động thì phải có hiệu quả.
Hiện, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực TT-TT đã giúp cho gần 100% hộ gia đình đã có điện thoại cố định, di động, Internet... Chính vì vậy, nhiều điểm BĐVHX gần như không có người đến sử dụng dịch vụ, trong khi đó chi phí cho cơ sở hạ tầng, tiền trả công cho nhân viên trực và bảo vệ tại các điểm BĐVHX hàng năm là rất lớn nhưng hiệu quả đưa lại thì không có hoặc quá thấp.
Để tránh lãng phí một khối lượng tài sản lớn của Nhà nước tại nhiều điểm BĐVHX như đã nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước xem xét cho phép các điểm BĐVHX được chuyển đổi mục đích sử dụng như: được làm hợp đồng cho thuê làm cửa hàng hoặc đại lý phân phối hàng hóa các loại; được làm trung gian trong việc thu mua lại hàng nông sản của nông dân, sau đó cung cấp cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán lẻ trong cả nước...
Nếu làm được điều đó, ngoài những lợi ích kinh tế, sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới từng bước gắn bó và gần gũi hơn với thành thị thông qua sản xuất, lưu thông hàng hóa 2 chiều.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho vấn đề này là sẽ quản lý như thế nào, khi hệ thống BĐVHX không còn thực hiện những chức năng truyền thống mà trở thành đại lý kinh doanh tổng hợp, nhiều loại hàng hóa khác nhau?
Số liệu thống kê cho biết, tới cuối năm 2008, tổng lao động của Bưu chính Việt Nam là 48.000 người, nhưng doanh thu chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng. Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, đây là ngành tạo ra giá trị bình quân đầu người thấp nhất nước. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có trình độ ĐH, CĐ chưa đến 17%. Dù có những khó khăn chồng chất như vậy, nhưng trên thực tế, sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành bưu chính sẽ được dự tính là ngưng hoàn toàn vào năm 2013, để cho ngành bưu chính sẽ phải tự cân đối thu chi từ thời điểm đó. Điều này làm nhiều người băn khoăn về tính thực tiễn khi mà Nhà nước vẫn phải bù lỗ mỗi năm cho ngành bưu chính hàng nghìn tỷ đồng. |
Trần Lưu