Hệ thống chiếu phim nhà nước cùng kêu khó

Hệ thống chiếu phim nhà nước cùng kêu khó

Nhiều tỉnh không có rạp chiếu phim, chỉ có các đội chiếu phim lưu động. Nhiều địa phương lên tiếng, nếu không quyết tâm và thực hiện đồng bộ, chiến lược phát triển điện ảnh của Việt Nam sẽ khó đạt kết quả.

Đây là những vấn đề được nêu ra tại hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố” do Cục Điện ảnh tổ chức ngày 31-5, tại Hà Nội.

Thiếu thốn và cũ kỹ

Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đến cuối năm 2015, cả nước có 138 rạp với 510 phòng chiếu, trong đó 457 phòng chiếu phim được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K. Khán giả đến với điện ảnh ngày càng đông và nhiệt tình, không chỉ đông vào mùa phim tết như những năm trước mà quanh năm, các dịp nghỉ, lễ, rạp chiếu phim đều thu hút đông đảo khán giả, tình trạng “cháy vé” dịp nghỉ lễ diễn ra thường xuyên...

Theo thống kê, số lượt khán giả mua vé xem phim năm 2015 tăng khoảng 15% so với năm 2014. Tuy nhiên, theo bà Ngô Phương Lan, tín hiệu đáng mừng này chỉ diễn ra tại các rạp ở thành phố lớn. Còn hoạt động phát hành, phổ biến phim tại rạp của các trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lại là bức tranh mang màu ảm đạm.

Khán giả đang cần những rạp chiếu phim hiện đại. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ông Trần Hồng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát hành và chiếu bóng Sơn La, nhìn nhận thực tế rạp chiếu phim tại địa phương vẫn chưa đáp ứng phục vụ các tầng lớp nhân dân. “Sơn La không có rạp chiếu phim. Người dân ở tỉnh chúng tôi chưa biết phim chiếu rạp là như thế nào. Vì không có rạp phim, thanh thiếu niên ở Sơn La cũng thiếu đi sân chơi…”, ông Tuyến cho biết.

Không chỉ ở tỉnh miền núi Sơn La, ngay ở tỉnh kinh tế phát triển khá năng động như Hải Phòng, hệ thống rạp chiếu phim thuộc Nhà nước quản lý cũng xuống cấp trầm trọng. Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng, cho biết: “Trung tâm có 3 rạp chiếu phim, đều nằm ở vị trí thuận tiện nhưng trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu. Có nhà đầu tư đề nghị xã hội hóa, góp vốn cải tạo rạp, nhưng xin hết sở nọ đến sở kia mà vẫn không được duyệt”.

Con đường nào để thay đổi?

Trong khi cán cân chiếu phim nước ngoài đang chênh lệch - mỗi năm chiếu 199 phim nước ngoài nhưng chỉ có chưa đầy 40 phim Việt Nam - thì nếu muốn vươn đến mục tiêu năm 2020, tỷ lệ phim Việt Nam đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim; 30% - 35% phim truyện Việt Nam trên tổng số phim phát hành; số người xem phim đạt 95 triệu lượt người xem phim/năm; số phòng chiếu phim đạt 550 phòng chiếu, không có con đường nào khác là phải phát triển đồng bộ các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tại địa phương.

Theo ông Trần Hồng Tuyến, cần căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để phát triển đồng bộ các trung tâm này. “Tôi mong muốn trong quy hoạch, thành phố, tỉnh đã bố trí quỹ đất ở vị trí thích hợp để tiến tới xin kinh phí trung ương và dùng vốn đối ứng của tỉnh xây dựng trước hết là 1 rạp chiếu phim tại thành phố Sơn La và có lộ trình cụ thể để phát triển. Những cụm rạp được đầu tư phải theo đúng quy hoạch, trang thiết bị cần phải thống nhất, có nguồn phim dồi dào, tránh để tình trạng tỉnh ăn không hết, tỉnh lần chẳng ra”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Ông Bùi Thế Lâm cũng đồng quan điểm, cho rằng: “Vì không có máy chiếu hiện đại nên không chiếu được các phim mới, vì thế không thu hút được khán giả. Không có khán giả nên cũng không có nguồn thu để cải tạo cơ sở vật chất. Đó là cái vòng luẩn quẩn”.

Sau hội thảo tại Hà Nội, trong ngày 2-6 tới, hội thảo tại khu vực phía Nam sẽ được tổ chức. Đây là nỗ lực tích cực của Cục Điện ảnh nhằm cùng các địa phương vực dậy hệ thống phát hành, chiếu phim trên cả nước.

Hệ thống rạp chiếu phim của các trung tâm (công ty) phát hành phim chiếu bóng do Nhà nước quản lý có 58 rạp với 103 phòng chiếu. Trong đó, 10 rạp không hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng; 18 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng không có rạp chiếu phim. Với những trung tâm không có rạp chiếu đã đành, với những trung tâm có rạp chiếu thì tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Tình trạng “rạp xuống cấp; trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, không phù hợp chiếu phim hiện đại và thiếu nguồn phim” là những thách thức được bà Ngô Phương Lan nêu ra.

SONG HÀ

Tin cùng chuyên mục