Quy định mức vốn điều lệ của các ngân hàng ở Việt Nam cao hơn các ngân hàng ở Mỹ, thế nhưng cùng với hoạt động huy động vốn từ dân, chẳng hiểu sao thời gian qua các ngân hàng luôn thiếu vốn và doanh nghiệp (DN) cũng khó vay được vốn. Mặc dù nhà nước liên tục dùng các biện pháp hành chính can thiệp vào hoạt động của ngân hàng nhưng lãi suất cứ cao, ngân hàng cứ xé rào, DN vẫn “khát” vốn. Vậy nguồn tiền đi về đâu và tái cấu trúc như thế nào giúp ngân hàng “khỏe mạnh”, trở về đúng với chức năng của mình?
- Xé rào lãi suất
Thời gian qua, nhiều ngân hàng mỗi năm lãi hàng ngàn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận của DN không đủ trả lãi ngân hàng; còn ngân hàng nói rằng mình vốn lớn nên lãi lớn… Thế nhưng, vấn đề đặt ra vì sao ngân hàng có vốn lớn nhưng vẫn liên tục kêu thiếu vốn cho vay, phải huy động với lãi suất cao, vượt trần lãi suất quy định. Mặc dù nhà nước liên tục dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp vào hoạt động của các ngân hàng, thế nhưng, hình như vẫn không hiệu quả, các ngân hàng vẫn xé rào lãi suất. Chính sự vi phạm tràn lan ở các ngân hàng làm uy tín của ngành ngân hàng thời gian gần đây giảm sút nghiêm trọng.
Các ngân hàng nhỏ thiếu vốn, cuối ngày phải vay lại của các ngân hàng lớn, khiến lãi suất trên thị trường 2 tăng cao. Những ngân hàng lớn “chèn” ngân hàng nhỏ bằng cách nâng lãi suất thị trường 2, có lúc lên đến 26% - 27%. Lãi cao nên ngân hàng nhỏ phải huy động vượt trần lãi suất để huy động vốn trong dân, dẫu sao vẫn thấp hơn so với vay lại trên thị trường 2. Điều đó còn dẫn đến hệ lụy là các ngân hàng lớn không tập trung vào tăng trưởng tín dụng mà dành vốn cho vay trên thị trường 2. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt thị trường 2, tăng quy mô, mở rộng điều kiện cho vay tái cấp vốn để các ngân hàng nhỏ bù đắp thanh khoản.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sở dĩ ngân hàng khó khăn là vì trước đây các ngân hàng “ăn theo” chứng khoán, bất động sản. Giờ đây chứng khoán, bất động sản đóng băng nên vốn bị kẹt cứng trong đó, dẫn đến các ngành sản xuất kinh doanh - vốn mang lại giá trị gia tăng cao cho xã hội - bị thiếu vốn. Một số chuyên gia nhận định, việc một số ngân hàng đua nhau thu hút vốn “đầu vào” nhưng không có “đầu ra” là do trước đây một số DN, tập đoàn cũng góp vốn thành lập ngân hàng, nên các ngân hàng này chỉ lo thu hút vốn vào để cho các DN là thành viên góp vốn vay lại.
- Cơ cấu lại hoạt động
Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, nhiều ngân hàng nhỏ phải tăng vốn điều lệ lên gấp 2-3 lần để đạt quy định 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Một khi vốn tăng lên, các ngân hàng phải lo bài toán sử dụng vốn sao cho hiệu quả, khi mà trình độ, khả năng chưa theo kịp. Do vậy, các ngân hàng chỉ lo bài toán tăng vốn mà ít chú trọng đến an toàn vốn.
Đã vậy, Ngân hàng Nhà nước còn dự định tiếp tục tăng vốn điều lệ trong thời gian tới, liệu điều đó có cần thiết khi vốn điều lệ của các ngân hàng Việt Nam đã cao hơn ở Mỹ. Cụ thể, đến cuối năm 2010, nước Mỹ có 7.760 ngân hàng, trong đó có 7.095 ngân hàng (chiếm 91,4%) có tổng tài sản dưới 1 tỷ USD (khoảng 21.000 tỷ đồng). Nếu tính về vốn điều lệ, một số ngân hàng ở Mỹ chỉ có 6,5 triệu USD, trong khi ở VN quy định đến 3.000 tỷ đồng (bằng 150 triệu USD). Như vậy, chúng ta có cần thiết phải đẩy vốn điều lệ lên cao như thế, trong khi hoạt động của các ngân hàng đòi hỏi phải theo cơ chế thị trường?
Để giải quyết những bất cập hiện nay, TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, thay đổi quy định từ vốn điều lệ tối thiểu sang kiểm soát chặt chẽ hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR).
Thứ hai, chấp nhận phân nhóm ngân hàng theo quy mô tài sản và CAR để hình thành 2 nhóm: Ngân hàng quốc gia (được hoạt động toàn lãnh thổ, đầy đủ nghiệp vụ) và nhóm ngân hàng địa phương (hoạt động trên địa bàn cấp tỉnh, giới hạn các nghiệp vụ). Sự phân khúc này sẽ giúp các ngân hàng tập trung chuyên môn hóa thay vì đánh đồng mọi ngân hàng như nhau và phải chạy đua tăng vốn trong khi trình độ quản lý chưa theo kịp như hiện nay.
Thứ ba, về quản lý, nếu quyết liệt xây dựng các tiêu chí để xác định CAR theo thông lệ quốc tế thì vấn đề còn lại chỉ là giám sát (thực tế mấy năm nay VN đã có quy định về xác định CAR nhưng việc giám sát phân loại tính CAR chính xác hay không và chế tài khi CAR thấp thì chưa được coi trọng, xử lý). Về an toàn ngân hàng, nếu Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định chế tài rõ ràng, sai đến đâu xử phạt đến đó, không chỉ xử phạt bằng tiền mà chế tài bằng giới hạn hoạt động (hạn chế mở chi nhánh, hạn chế các nghiệp vụ hoạt động) mới mong chấm dứt được việc vi phạm của các ngân hàng.
Thứ tư, không loại trừ trường hợp cổ đông lớn của ngân hàng chi phối cho công ty A nào đó vay tiền và từ số tiền công ty A vay được, cổ đông lớn sẽ dùng để mua cổ phiếu nhằm tăng vốn ở ngân hàng. Nếu Ngân hàng Nhà nước thanh tra kỹ sẽ kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp này.
Và điều cuối cùng ông Khánh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải hướng đến việc giảm dần các can thiệp hành chính và tăng dần các công cụ kinh tế. Ví dụ như thay vì ấn định trần lãi suất huy động 14%, nên dùng nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, còn lãi suất huy động và cho vay để các ngân hàng tự quyết định với khách hàng của mình. Nếu Ngân hàng Nhà nước điều tiết tốt thị trường liên ngân hàng bằng công cụ nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn thì sẽ không cần phải đặt trần lãi suất huy động hay trần lãi suất cho vay.
HÀN NI