Heo bơm nước - từ lò đến chợ

Heo bơm nước - từ lò đến chợ

Chín N. - một lái heo ở tỉnh Tiền Giang đã bỏ nghề - tiết lộ: “Trước khi vận chuyển về lò giết mổ, không ít con heo đã bị bơm nước đầy bụng rồi. Trước khi đưa lên xe, còn bị chích thuốc an thần để heo ngủ và nước thấm vào thịt nhanh hơn. Khi vào lò mổ, heo còn bị bơm nước thêm 2 lần nữa. Do da nhăn nheo nên heo nái thường bị bơm nước nhiều hơn để da căng, bóng, hồng hào. Tính ra con heo đến chợ đã tăng khoảng 10kg vì nước”.

Theo từ chuồng ra đến chợ

Cơn mưa đêm vẫn còn nặng hạt, đường phố ngập lênh láng. Xuống dốc cầu Nhum (xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), chúng tôi rẽ trái vào một con đường đất đỏ nhiều ổ trâu, ánh đèn lờ mờ. Con đường dẫn thẳng vào khu vực rộng lớn có đèn cao áp sáng rực. Đó là cơ sở giết mổ Lê Hữu Bình - một trong những lò “cho phép” bơm nước vào heo tại lò.

Heo bị bơm nước nhiều lần trước khi được giết mổ

Gần 22 giờ, trong sân đã có gần chục xe tải dàn hàng ngang ở khu vực xả thịt. Quy trình giết mổ khá bài bản. Gần 100 công nhân già trẻ đang lầm lũi làm việc. Theo quy định, công nhân cơ sở giết mổ phải trang bị quần áo bảo hộ lao động, giày ủng, khẩu trang, găng tay, nhưng các công nhân ở đây chỉ mang giày ủng. Đó là phương tiện hữu dụng để di chuyển trên mặt sàn nhầy nhụa.

Có tiếng ồn ào phía ngoài cổng, một chiếc xe tải biển số 64 (tỉnh Vĩnh Long) đang ì ạch de vào con đường xi măng sát khu xả thịt. Càng xe và cầu thang đã được các công nhân bắc ổn định, nhưng mấy con heo vẫn đủng đỉnh chui rúc vào cuối xe. Mấy anh thợ, tay cầm móc sắt leo lên xe. Miệng hét, tay cầm móc sắt quất, đẩy từng con heo xuống xe. Hầu hết các con heo đều bước đi xiêu vẹo, có con từ trên cầu thang bước xuống ngã lăn. Ba T. - người dẫn chúng tôi tham quan lò mổ - nói nhỏ: “Mấy con heo còn say ngủ, do bị bơm thuốc an thần”.

Để ra được khu vực dãy chuồng phía sau khu giết mổ, chúng tôi phải rón rén bước qua hàng chục con heo chết cứng nằm la liệt trên con đường dẫn vào nhà vệ sinh. Từ trong nhà vệ sinh bước ra, chúng tôi có thể quan sát dãy chuồng nhốt heo rộng lớn. Tại thời điểm đó, có 4 nhóm thợ thực hiện việc bơm nước. Không cần phải rượt đuổi heo trong ô chuồng nhỏ và chật chội đó, những con heo mình dính đầy phân gục đầu vào bức vách. Một anh thợ đứng trong chuồng dùng cây móc sắt móc thẳng vào hàm con heo, mặc cho con heo kêu la thảm thiết. Một anh thợ khác chọt thẳng ống sắt luồng vòi nước vào sâu trong họng heo và xả nước.

Không ít chủ lò không cho bơm nước tại lò, vì ý thức rằng đó là hành vi phạm pháp. Nhưng một số chủ lò vẫn cho phép. Tiếng kêu hoảng loạn của con heo từng chập, từng hồi vang vọng cả lò mổ. Ai cũng nghe thấy, chỉ có cán bộ thú y trực tại lò là “hình như không biết”. Nước bơm vào heo chắc chắn không phải là nước sạch. Bởi lẽ, các cơ sở giết mổ đều dùng nước giếng đóng, giếng khoan. Cũng chẳng ai biết được chất lượng nước đó ra sao.

Đoạn đường từ các cơ sở giết mổ ở tỉnh Long An về các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn (TPHCM) đi theo quốc lộ 1A gần hơn đi theo đường dẫn đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, nhưng các tài xế xe tải vận chuyển thịt heo vẫn chọn đường dẫn. Bởi lẽ, đi đoạn đường này, xe chở thịt heo sẽ né trạm kiểm dịch vệ sinh thú y trên quốc lộ 1A. Theo đúng quy trình, việc cấp giấy kiểm dịch thú y và niêm phong xe tải phải do chính tay cán bộ thú y trực tại lò thực hiện. Nhưng, suốt thời gian ở cơ sở giết mổ Lê Hữu Bình, chúng tôi thấy các tài xế xe tải đến nhận giấy và dây niêm phong rồi vội vã lên cabin phóng xe rời lò. Chính vì lý do đó, tại 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, cơ quan thú y và ban quản lý chợ đã phát hiện nhiều mảnh thịt heo không có giấy kiểm soát giết mổ, sẫm màu, hạch sưng to, có mùi hôi thối. Đây là các con heo đã chết trước khi giết mổ được tuồn lên xe trong quá trình vận chuyển.

Kiểm soát heo bằng vòng nhận diện

Khi trời tối, các chợ đầu mối bắt đầu lên đèn. Nhưng, sớm lắm cũng phải đến 22 giờ xe tải chở thịt heo từ các tỉnh mới bắt đầu đổ về và nhập chợ. Theo quy định, các xe tải phải trình giấy chứng nhận kiểm dịch tại các trạm kiểm tra vệ sinh thú y chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn để làm thủ tục nhập chợ. Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thú y của Chi cục Thú y TPHCM, cho biết: “Trước đây, chúng tôi phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TPHCM phát hiện hơn 600 con heo đã bị bơm thuốc an thần tại một trại heo ở TPHCM, và rồi cơ sở này đã phải dừng hoạt động. Đến nay, chúng tôi có thể khẳng định rằng không còn tình trạng heo bơm nước, bơm thuốc an thần tại các cơ sở giết mổ ở TPHCM. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, anh em chúng tôi đã phát hiện 95 trường hợp thịt heo chuyển về từ một số cơ sở giết mổ ở các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang bị rỉ dịch, với khoảng 160 con và gần 14 tấn thịt heo. Chúng tôi đã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm này”.

Công tác phối hợp giữa Thú y TPHCM và các tỉnh đang diễn ra rất suôn sẻ. Khi phát hiện sai phạm, Chi cục Thú y TPHCM có ngay văn bản thông tin số lượng thịt heo bị rỉ dịch từ cơ sở giết mổ nào, phương tiện vận chuyển và thậm chí tên chủ sạp, và đề nghị Chi cục Thú y tỉnh tiếp tục kiểm tra, xử lý các đối tượng sai phạm. Tại thời điểm này, việc kiểm dịch vệ sinh thú y chỉ qua các giải pháp kiểm bằng mắt thường, cắt khám tại cơ sở giết mổ, tại xe vận chuyển và tại quầy thịt. Để ngăn chặn tình trạng heo bơm nước, đảm bảo vệ sinh an toàn nguồn thịt heo ra thị trường, Chi cục Thú y TPHCM đang phối hợp với cơ quan nghiệp vụ các tỉnh kiểm tra các cơ sở giết mổ, trang trại. Về việc này, ông Phúc Nguyên cho biết: “Để đảm bảo nguồn thịt heo an toàn, chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh để kiểm tra, đánh giá từ gốc. Nếu có vi phạm về vệ sinh an toàn và đánh giá loại thấp, thì dứt khoát không cho cơ sở đó đưa sản phẩm về TPHCM”.

Ông Dương Anh Dũng, Phó giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết: “Mỗi đêm có khoảng 2.600 con heo nhập chợ Bình Điền. Chợ kinh doanh thủy hải sản, rau củ quả và gia súc gia cầm, nên có cán bộ của 3 chi cục đang có mặt tại chợ để quản lý, đó là Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và Chi cục Thú y. Để đảm bảo nguồn thịt nhập chợ phải là thịt sạch, ngay khi làm thủ tục nhập chợ, heo phải được treo móc, nếu cán bộ thú y phát hiện heo lọt xuống sàn là loại bỏ ngay. Thực sự tiểu thương không có lỗi gì trong việc thịt heo bị bơm nước, bơm thuốc an thần, họ luôn mong muốn có heo sạch để kinh doanh. Hành vi sai phạm đó là của thương lái thu mua heo và chủ các cơ sở giết mổ”. Gần đây, ngày 11-10-2016, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 5340 về việc thành lập Ban quản lý đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thuộc dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020. Họp bàn về vấn đề này, bà con tiểu thương ở chợ Bình Điền rất phấn khởi và đăng ký tham gia rất nhiệt tình.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục