Ngày cuối cùng của năm 2005 cũng là ngày mà mùa giải mới khai mạc bằng trận đấu vòng 1 Cúp Quốc gia trên sân Hàng Đẫy. Ngày mà người hâm mộ không còn cảnh háo hức chờ đón bóng lăn. Ngày mà các sân chơi của bóng đá Việt Nam như bị thu hẹp lại khi vụ án mua bán độ mở rộng ra. Cái hẹp của những hung tin cuối năm liệu có là khởi điểm của một năm mở?

Trọng tài Việt, trọng tài Tú vào trại giam, mặt bằng trọng tài Việt Nam đã hẹp càng hẹp thêm khi hàng loạt trọng tài khác cũng bị đình chỉ làm nhiệm vụ. Nói vui như ông Đoàn Phú Tấn là “hy sinh nhiều rồi!” nhưng nói như những người lo lắng khi biết quá nhiều về trọng tài Việt Nam thì lại là “những ai may mắn thoát?”.
Ông Thành, ông Vinh vào trại tạm giam cùng nhiều người bị khởi tố và hàng loạt cái tên đã được khai ra liên quan đến những vụ mua bán, hối lộ mà bóng đá Việt Nam từng bị chỉ mặt đội nào cũng tiêu cực nhưng không ai dám cãi.
Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Bật Hiếu vào trại tạm giam và sẽ còn bao nhiêu cầu thủ vào đấy nữa khi án đình chỉ thi đấu cứ dài ra và chuyên án sẽ còn mở ra đến các kỳ SEA Games 21 và có thể lần đến cả “Thế hệ vàng”.
Mặt bằng bóng đá Việt Nam vốn hẹp nay càng hẹp thêm bởi những con người của bóng đá, những con người vì bóng đá và từng là thần tượng của nhiều giới tham gia vào cái vòng xoáy nghiệt ngã. Cái vòng xoáy mà bóng đá Đà Nẵng vừa tự hào với lứa trẻ, giờ lại tổn thương với ba cầu thủ trẻ nhúng chàm. Cũng cái vòng ấy, lãnh đạo đội bóng đá Huế từng cay đắng nhận xét: “Cầu thủ bây giờ sướng, nhưng cầu thủ bây giờ cũng dễ hư quá! Chỉ cần họ đá với suy nghĩ mình không phải là cầu thủ lớn hoặc hãy nghĩ đến thời khó khăn bên sô trà đá ở sân tập nhưng không ai chịu nghĩ đến”.
Khi Quốc Anh bị bắt giam, tôi cũng có chung một cảm giác như ông Riedl và nhiều người hâm mộ nữa ở chỗ “Quốc Anh mà cũng dính thì bóng đá Việt Nam biết tin vào ai bây giờ?”.
Tôi còn nhớ hai năm trước khi Quốc Anh ghi bàn trong trận chung kết U-21 giữa Đà Nẵng với Nghệ An trên sân Long Xuyên, nhìn khuôn mặt “cu cậu” thật ngây ngô khi ngả vào vòng tay HLV Phan Công Thìn. Cái khuôn mặt ấy từng thấy ở Quyến lúc đốt lưới Trung Quốc và Văn Trương lúc mới lên tuyển khóc ngon lành trong khu kỹ thuật vì không được dự trận chung kết.
Thời gian qua đi, cầu thủ trưởng thành hơn, đá bóng hay hơn, nổi tiếng hơn, được nhiều người thần tượng hơn nhưng lại cũng “hẹp” hơn. Cái hẹp hình thành từ đồng tiền, từ sự hưởng thụ và sự dễ dãi khi bị lôi kéo. Họ không biết nói không với cái xấu cũng hệt như nhiều bạn trẻ mới ra đời đã tìm đến những cái chết trắng bằng một lần thử và một lần nhẹ dạ.
Năm ngoái, cũng thời điểm này, tôi còn nhớ Chủ tịch VFF khóa 4 Mai Liêm Trực than thở với báo giới về sự thờ ơ trước những lời dạy dỗ của người lớn. Ông Trực khi ấy trách móc nhiều cầu thủ Quốc Vượng luôn tỏ thái độ khi ông khuyên đừng nóng nảy nữa và hãy giữ mình để trở thành cầu thủ lớn. Hồi đấy, nhiều HLV có vẻ khó chịu khi ông Trực nói rằng Vượng là cầu thủ đã hết thuốc chữa và không thể dạy được nữa. Khó chịu vì ông dùng hai từ “không thể”.
Cái không thể của ông Mai Liêm Trực giờ đã được nhiều người nghiệm lại.
Thật đau lòng khi những người vợ, người cha và người mẹ phải đi giải quyết hậu quả của chồng, con mình. Những lời xin lỗi thay những con người từng là thần tượng nay ngồi ở trại giam nghe thật xót xa.
Thật đau lòng khi cái nôi bóng đá từng là số 1 quốc gia giờ lại là cái nơi mà nhiều người đang đánh mất niềm tin khi sự thật được phơi bày dần.
Bóng đá Việt Nam cứ hẹp lại và hẹp thật hẹp vào cái ngày cuối năm.
2006 chắc chắn sẽ là một năm vất vả từ cái mặt bằng hẹp và phải đối đầu với những khó khăn đủ phía.
Hy vọng những “hẹp hòi” đầy ám ảnh của một năm cũ sẽ là khởi điểm của một mầm cây sống thẳng từ một môi trường đã được dọn dẹp.
Dọn cho quang giống như một kiểu quy hoạch để bóng đá Việt Nam có thêm đạm.
NGUYỄN NGUYÊN