Chuyện sân cỏ

Hết thuốc chữa ...

Một lần nữa, Nguyễn Mạnh Dũng lại trở thành đề tài của không ít bài báo khi bị HLV Alfred Riedl trả về do không phù hợp với đội tuyển quốc gia tại vòng đấu bảng AFF Cup 2007. Chuyện cầu thủ này bị kỷ luật, bị cảnh cáo, phạt tiền, bị trả về dường như quá quen thuộc mỗi khi anh được gọi lên đội tuyển quốc gia hay khi chơi cho CLB. Một con người đầy cá tính. Tiếc là cá tính ấy được đặt không đúng chỗ, vô tình làm tổn hại đến uy tín không chỉ của chính anh mà còn với cả gia đình!

Hết thuốc chữa ... ảnh 1

Mạnh Dũng cùng đồng đội trong buổi tập tại Singapore. Ảnh: N.H

Tối 17-1, Dũng lại làm người hâm mộ choáng váng hơn nữa khi trả lời phỏng VTV. Anh cho rằng:”Ban huấn luyện chỉ biết chỉ trích cầu thủ khi họ đá kém. Tôi không thể hòa hợp với Ban huấn luyện, do vậy có ở lại với đội tuyển cũng không làm được gì…”. Phát biểu như thế, Dũng càng lún sâu hơn vào sai lầm. Nếu cho rằng không phù hợp với đội tuyển quốc gia, hoặc với cá nhân các thành viên trong Ban huấn luyện, tại sao anh không tự làm đơn rút lui trước giờ  bay sang Singapore?

Việc cầu thủ bị chỉ trích từ Ban huấn luyện là lẽ thường tình. Nhưng toàn bộ các lời chỉ trích ấy, không hề lọt ra bên ngoài đội tuyển. Việc phát biểu như vậy, hóa ra chính Dũng là kẻ “vạch áo cho người xem lưng”. Đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến nội quy của đội tuyển.

Dũng lên tiếng chỉ trích thậm tệ Ban huấn luyện, thậm chí còn nói với một nhà báo rằng sẽ phanh phui toàn bộ những chuyện “thâm cung bí sử” của đội tuyển quốc gia cho nhiều người cùng biết. Chuyện “thâm cung bí sử” ấy dữ dội tới đâu và nói hay không là quyền của Dũng, song có nhiều chuyện liên quan tới cầu thủ này trong thời gian ở Singapore mà không hẳn ai cũng biết. Vài mươi phút khi Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam có mặt tại Singapore, Dũng là người duy nhất đặt thẳng vấn đề với ông Trưởng đoàn rằng:”Bao giờ phát tiền?”.

“Tiền gì mà phát?”. “Tiền tiêu vặt chứ tiền gì. Ông mới làm Trưởng đoàn nên không biết chứ đi đá các giải này, bao giờ cầu thủ cũng có tiền tiêu vặt”. Nghe đến đây, ông Trưởng đoàn chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẫm, vì có nói hay giải thích thêm cũng không giúp cho cầu thủ này ngộ ra vấn đề.

Trước trận khai mạc với Singapore, khi Ban huấn luyện ra hiệu toàn đội thay quần áo để chuẩn bị khởi động thì Dũng cứ lần khần đứng xem trận Lào- Indonesia. Một trợ lý HLV giục nhiều lần, Dũng mới chịu vào phòng thay quần áo. Khi cả đội khởi động trên sân thì Dũng lại bỏ ra ngoài đường piste đứng tán gẫu với cánh nhà báo. Sau đó, vừa ăn bánh mì xin được của một nhà báo thể thao và nói rằng:”May mà có cái bánh mì của anh, không thôi em chết mất vì đói”. Việc hậu cần của đội tuyển và của BTC bảng B lo cho các đội bóng dự giải đâu có tệ hại đến mức để cầu thủ phải đói như lời của Dũng.

Ghi lại những chuyện nêu trên, chúng tôi không hề có ý muốn bới móc những tiểu tiết có thật  về cầu thủ này mà chỉ muốn làm rõ thêm vấn đề chung quanh cầu thủ quá “nổi tiếng” này. Ba tuần trước đây, chúng tôi từng có bài viết ngắn để ghi nhận về sự chăm chỉ tập luyện của Dũng ở King’s Cup 2006 với sự khấp khởi chờ đợi sự quay lại đầy thuyết phục của Dũng trên sân cỏ. Bài viết ngắn ấy chưa kịp phai đi trong lòng người hâm mộ, chúng tôi lại ngỡ ngàng trước thông tin anh bị phạt tiền vì vi phạm nội quy sinh hoạt của đội tuyển quốc gia cùng “tối hậu htư” từ HLV trưởng- sẽ thải loại Dũng, nếu tái phạm một lần nữa.

Dũng đã qua tuổi thành niên đã lâu. Anh đã trưởng thành từ sân cỏ nhiều năm qua và được liệt vào hàng cựu binh với đội tuyển  Việt Nam. Có nghĩa là Dũng quá chín chắn để hiểu và nhận ra được rằng đâu là đúng, đâu là sai, đâu là ranh giới của những quy định mà cá nhân phải chịu sự chi phối khi đứng chung vào một tập thể. Tự cho rằng không phù hợp với đội tuyển  nên xin được ra về, đó chỉ là sự ngụy biện. Nói cách khác, đó là sự đào thoát, trốn chạy, quay lưng với đồng đội trong cảnh dầu sôi lửa bỏng! Một cầu thủ chuyên nghiệp, không thể có cách hành xử kém cỏi, trẻ con như vậy. Mọi liều thuốc “đặc trị” đã không còn tác dụng…

LƯƠNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục