Hiểm họa chực chờ

Mỗi năm, cả nước xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn lao động (TNLĐ), cướp đi sinh mạng hàng trăm người trong độ tuổi lao động, gây thiệt hại hàng trăm ngàn ngày công và làm tổn thất kinh tế hàng trăm tỷ đồng...

Mỗi năm, cả nước xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn lao động (TNLĐ), cướp đi sinh mạng hàng trăm người trong độ tuổi lao động, gây thiệt hại hàng trăm ngàn ngày công và làm tổn thất kinh tế hàng trăm tỷ đồng...

Cụ thể, theo số liệu của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB-XH), năm 2010 mặc dù TNLĐ có giảm nhưng trên cả nước cũng đã xảy ra 5.125 vụ TNLĐ, gây thương tích cho 5.307 người, trong đó hơn 600 người phải lìa bỏ mạng sống, 1.260 người mang thương tích suốt đời. Chi phí thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và bị thương gần 134 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản 3,9 tỷ đồng và 75.454 ngày công lao động.

Bước sang năm 2011, chỉ mới 6 tháng đầu năm đã xảy ra 3.531 vụ TNLĐ, với chi phí thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân lên đến 143,3 tỷ đồng, tăng 2,62 lần so với cùng kỳ 2010; thiệt hại về tài sản 17,7 tỷ đồng, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm trước… Trong đó, TPHCM là địa phương có số vụ TNLĐ cao nhất nước và số vụ tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2011.

Một điều đáng báo động, số vụ tai nạn trong ngành xây dựng chiếm đến hơn 65% tổng số vụ TNLĐ các loại. Nguyên nhân để xảy ra tai nạn trong ngành xây dựng chủ yếu do lỗi của người sử dụng lao động: vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn trong thi công xây dựng và bản thân người lao động đôi khi chủ quan, không sử dụng các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động an toàn.

Riêng ở TPHCM, hiện có trên 10.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực. Phổ biến trong ngành xây dựng hiện nay là tình trạng “bán thầu”. Doanh nghiệp lớn trúng thầu công trình lớn rồi bán lại cho các nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ giao khoán từng phần cho các đội nhóm “cai thầu”. Mặt khác, khi đấu thầu, chủ đầu tư thường chọn gói thầu thấp nhất mà không chú ý đến chi phí dành cho công tác an toàn lao động của nhà thầu.

Ở nước ngoài, đối với các công trình có nguy cơ tai nạn lớn thì chi phí cho an toàn cũng phải lớn và được quy định khoảng 5% - 6% chi phí gói thầu. Tất cả chi phí cho an toàn lao động không phải do doanh nghiệp bỏ tiền ra mà được tính vào giá bỏ thầu. Ngược lại, ở nước ta chưa có quy định cụ thể về chi phí an toàn lao động khi đấu thầu nên nhiều chủ thầu không ngần ngại cắt giảm các chi phí dành cho an toàn lao động để có được giá thầu thấp nhất.

Trong khi đó, do lao động phổ thông trong ngành xây dựng đều có hoàn cảnh khó khăn nên khi tai nạn xảy ra, thân nhân họ dễ dàng bãi nại để nhận một số tiền bồi thường của chủ thầu hoặc chủ đầu tư. Điều đó khiến không ít vụ TNLĐ không được đưa ra xét xử.

Bộ LĐTB-XH cũng quy định, lao động làm việc ở nơi có nguy cơ tai nạn cao phải được huấn luyện an toàn và cấp thẻ an toàn lao động. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết lao động thời vụ làm việc tại các công trường xây dựng đều không được huấn luyện cơ bản về kiến thức về an toàn lao động. Điều đó có nghĩa, hàng ngày hàng giờ, TNLĐ tiếp tục chực chờ trên từng công trường xây dựng và không ai có thể biết trước bao nhiêu mạng người nữa sẽ lần lượt được “an bài” theo cách không ai mong muốn, nhất là dịp cuối năm khi các công trình trên đà nước rút về đích.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục