Hiểm họa mới ở châu Âu

Dù còn phải chờ kết quả điều tra để biết rõ động cơ của thủ phạm hai vụ nổ súng tại Copenhague, nhưng vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Đan Mạch ngày 14-2 vừa qua có những điểm tương đồng với những vụ tấn công ở Paris (Pháp) vào đầu tháng 1-2015. Đài RFI bình luận hiểm họa mới về nguy cơ các tay khủng bố đang bắt chước nhau hành động khiến các chuyên gia thêm lo ngại.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nhận thấy những kẻ khủng bố ở Copenhague và Paris đều nhắm vào cùng những mục tiêu, tuy không hẳn là trong cùng một mạng lưới, nhưng những kẻ này đều có cùng một quyết tâm. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã ghi nhận những điểm tương đồng giữa các vụ tấn công ở Copenhague và Paris: Trước hết là tấn công vào một biểu tượng của tự do ngôn luận, tiếp đến là tấn công vào cộng đồng Do Thái, cuối cùng là đấu súng với lực lượng an ninh đến chết chứ không đầu hàng. Vụ tay súng Omar El-Hussein tấn công vào trung tâm văn hóa - nơi đang diễn ra một hội thảo với đề tài “Nghệ thuật, báng bổ tôn giáo và tự do”, giết chết một người tại Copenhague tối 14-2 có nhiều điểm giống vụ 2 anh em Couachi tấn công tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris ngày 7-1, giết chết 12 người, vì tuần báo này đã đăng các bức biếm họa Mohammed. Hung thủ ở Copenhague sau đó đã tấn công vào một nhà thờ Do Thái Giáo, bắn chết một người Do Thái, trước khi bị cảnh sát Đan Mạch bắn hạ, chịu chung số phận với những kẻ tấn công khủng bố ở thủ đô Pháp. Là một trong những người thoát chết trong vụ tấn công ở Đan Mạch, Đại sứ Pháp tại Copenhague, Francois Zimeray nhận định rằng kẻ tấn công cũng có ý định như hai anh em hung thủ nổ súng vào tòa soạn Charlie Hebdo, chỉ có khác là hung thủ không vào được bên trong cuộc hội thảo.

Theo nguồn tin từ lực lượng đặc nhiệm Pháp, đối với các cơ quan chống khủng bố, nguy cơ khủng bố “nhái” là một hiểm họa thật sự. Ngay cả trước khi xảy ra các vụ tấn công ở Paris, nhiều kẻ muốn tham gia thánh chiến đã từng có hành động tương tự, như Mehdi Nemmouche, công dân Pháp, đã hạ sát 4 người ở Viện Bảo tàng Do Thái tại Brussel (Bỉ) vào tháng 5-2014, hoặc công dân Canada Michael Zehaf-Bibeau đã giết một quân nhân ở Ottawa tháng 10-2014 hoặc Man Haron Monis, kẻ đã bắt con tin ở Sydney vào tháng 12-2014, với kết cuộc là thủ phạm và hai con tin thiệt mạng. Chuyên gia về các vấn đề liên quan đến khủng bố Jean-Charles Brisard của Pháp cho biết họ đã thực hiện quan sát hành vi của nhiều nhóm khủng bố từ nhiều năm nay và nhận thấy một trong những xu hướng lớn là các phần tử khủng bố hiện nhắm vào các mục tiêu có tính biểu tượng cao, thay vì tấn công một cách không chọn lọc. Những kẻ khủng bố này sử dụng vũ khí bình thường, ít tối tân hơn, thay vì dùng đến chất nổ dễ bị phát hiện. Theo chuyên gia này, hình thức tấn công như trên không cần sự chuẩn bị nhiều như các vụ khủng bố trong quá khứ, hơn nữa chỉ gói gọn trong nhóm ít người hoặc đơn độc hành động khó bị rò rỉ thông tin, nên lực lượng an ninh, tình báo khó phát hiện trước các âm mưu này.

Dù hành động một mình hoặc tự nhận thuộc một tổ chức nào đó, tất cả dường như làm đúng theo chỉ thị của al-Qaeda hoặc của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS): sống ở đâu thì ra tay ở đó, gây càng nhiều tiếng vang càng tốt.

Việt Anh 

Tin cùng chuyên mục