Vụ tấn công khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện tại thủ đô Brussels (Bỉ) cho thấy mối đe dọa mang tên IS tại châu Âu vượt xa suy nghĩ của nhiều người.
Theo Financial Times, vụ tấn công cũng bộc lộ hiểm họa của một thế hệ “thánh chiến” châu Âu mới được truyền cảm hứng từ IS.
Sau vụ khủng bố ở Paris, Pháp vào tháng 11 năm ngoái, Brussels đặt vấn đề an ninh lên ưu tiên hàng đầu. Các biện pháp chống tấn công khủng bố, kiểm soát gắt gao, truy lùng các phần tử cực đoan được Bỉ triển khai rầm rộ. Thế nhưng, từng đó vẫn chưa đủ để ngăn chặn vụ đánh bom đẫm máu tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek ở trung tâm trái tim của châu Âu.
“Những gì chúng ta lo sợ đã đến” là lời của Thủ tướng Bỉ Charles Michel khi nói về vụ tấn công. Càng đáng lo sợ hơn khi vụ khủng bố cho thấy IS tàn bạo dường như đã có được sự chuẩn bị tốt. Mức độ phá hủy tại sân bay Zaventem cho thấy IS đã có được nguồn thiết bị nổ dồi dào đến mức nào.
Vụ tấn công chỉ diễn ra vài ngày sau khi Bỉ bắt giữ Salah Abdeslam, kẻ giữ một vai trò quan trọng trong vụ khủng bố tại Paris. Dư luận cho rằng phải chăng việc Bỉ bắt giữ Abdeslam đã khiến những phần tử cực đoan đẩy nhanh kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công. Điều này đã được Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon thừa nhận rằng “việc ngăn chặn một tế bào cực đoan có thể thúc đẩy những kẻ khác hành động”. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là những kẻ thực hiện vụ tấn công ở Bỉ có liên quan đến Abdeslam hay không hay thuộc một mạng lưới riêng biệt nào đó của IS mà các cơ quan tình báo không biết tới. Dù thế nào đi chăng nữa, một điều có thể nhận thấy đó là sự lớn mạnh của IS tại Bỉ và có thể ở nhiều nơi khác nữa đã vượt xa những gì nhiều người hình dung trước đây.
Điều này được thấy rõ trong vụ bắt giữ Abdeslam. Cảnh sát Bỉ mất 4 tháng truy lùng Abdeslam nhưng cuối cùng lại phát hiện ra tên này đang lẩn trốn ngay ở Molenbeek - nơi được xem là hang ổ của Hồi giáo cực đoan ở Brussels. Điều này cho thấy một mạng lưới “hậu cần” tinh vi của các phần tử khủng bố đang hoạt động rất hiệu quả ngay trong lòng nước Bỉ đã giúp che giấu Abdeslam. Francoise Schepmans, người đứng đầu chính quyền ở Molenbeek đã từng nói về hang ổ trên như thế này: “Có một mạng lưới tập hợp nhiều cá nhân biết rõ nhau, những người sống trong cùng một khu phố. Họ là những tên côn đồ, tội phạm”.
Trước đó, tháng 1-2015, tình báo Mỹ đã từng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của Bỉ rằng IS đã xuất hiện và xây dựng một mạng lưới khủng bố ở Bỉ sau khi xâm nhập vào thành phố Verviers, Đông Nam nước Bỉ. Có bằng chứng cho thấy các kẻ cực đoan ở Verviers có quan hệ trực tiếp với Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị cáo buộc điều phối của các cuộc tấn công tại Paris.
Theo số liệu mới nhất mà Trung tâm phân tích khủng bố của Pháp công bố ngày 21-3, có 2.030 công dân Pháp, 1.600 công dân Anh, 800 công dân Đức và 534 công dân Bỉ đã bị lôi kéo rời châu Âu để tham gia các phong trào thánh chiến cực đoan. Một nguồn tin tình báo cấp cao của Anh cho biết gần một nửa trong số những người đến Syria tham chiến cùng IS đã trở lại châu Âu. Tờ Financial Times kết luận đối mặt với một mối đe dọa như vậy, các cơ quan an ninh châu Âu đã thất bại nặng nề. Cuộc tấn công Bỉ cho thấy rằng mức độ hoạt động của các chiến binh thánh chiến ở châu Âu một lần nữa bị đánh giá thấp.
ĐỖ CAO