Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chủ trương nâng cao hiệu quả quản lý vĩ mô của Chính phủ, nhất là chất lượng xây dựng thể chế, quy hoạch, năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này khẳng định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, tương ứng với việc xác định Quốc hội là cơ quan lập pháp, Tòa án là cơ quan tư pháp, đồng thời làm rõ mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan này trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Vai trò của Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và cơ quan hành chính nhà nước cao nhất đã được Hiến định rõ và đầy đủ, song vai trò thực hiện quyền hành pháp chưa thật rõ ràng. Để bảo đảm cho Chính phủ thực hiện tốt vai trò cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Hiến pháp sửa đổi cần quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo hướng tạo sự chủ động, linh hoạt, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh trong tình trạng khẩn cấp trong quá trình quản lý, điều hành đất nước.
Hiến pháp năm 1992 có cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp, nhưng còn thiếu cơ chế để cơ quan hành pháp kiểm soát hoạt động đối với cơ quan lập pháp, tư pháp. Hiến pháp sửa đổi cần bổ sung quyền của Chính phủ, đề nghị Quốc hội chưa thông qua dự án luật trong trường hợp thấy rằng, dự án luật nếu được thông qua thì việc tổ chức thi hành luật của Chính phủ sẽ không bảo đảm.
Chủ tịch nước cần được bổ sung quyền tự mình (hoặc theo đề nghị của Chính phủ) đề nghị Quốc hội xem xét lại đạo luật đã được thông qua; không tiếp tục quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND, bãi bỏ nghị quyết sai trái của HĐND, giải tán HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà giao thẩm quyền này cho Chính phủ. Trong thời gian Quốc hội không họp, theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước có quyền miễn nhiệm, cách chức các chức danh của Chính phủ do Chủ tịch nước bổ nhiệm như phó thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Qua tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, có một số vướng mắc lớn trong quá trình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Đơn cử, quan niệm coi HĐND là “cánh tay nối dài” của cơ quan lập pháp (Quốc hội), dẫn đến việc Chính phủ gặp khó khăn trong việc bảo đảm nền hành chính thống nhất, thông suốt trong việc chỉ đạo, đôn đốc HĐND thực hiện các quy định, chính sách do Chính phủ ban hành hoặc quy định cụ thể nhiệm vụ cho HĐND khi được luật ủy quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Hơn nữa, Hiến pháp năm 1992 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND ở 3 cấp như nhau, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, dẫn đến khó phân định được nhiệm vụ của từng cấp; chưa quy định rõ nguyên tắc phân cấp giữa chính quyền địa phương và Trung ương nên có sự trùng lắp, chồng chéo về phân cấp nhiệm vụ.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 lần này cần phải xác định rõ vị trí, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; quy định rõ nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng “việc gì thuộc thẩm quyền của Trung ương thì chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò phối hợp, việc gì thuộc thẩm quyền riêng của địa phương thì cơ quan nhà nước Trung ương không được can thiệp và việc gì là việc chung thì cần phân công, phân cấp cho rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật”.
PGS-TS HOÀNG THẾ LIÊN
(Thứ trưởng Bộ Tư pháp)
A.THƯ ghi
| |
Góp ý sửa đổi hiến pháp: |
>> Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp với yêu cầu phát triển |