Sau khi báo Sài Gòn Giải Phóng online ngày 25-5 đăng bài “TP Hồ Chí Minh: “Quái xế” lại lộng hành”, nhiều bạn đọc quan tâm và nêu lên những ý kiến của xung quanh tình trạng đua xe trái phép trong thanh thiếu niên. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc.
Lê Tăng Định (phường 14 quận Gò Vấp TPHCM): Cần có sân chơi cảm giác mạnh cho thanh thiếu niên
Việc đua xe của các “quái xế” không còn là một nhóm nhỏ đua xe cá độ của một số thanh niên ham mê tốc độ hay con nhà giàu rửng mỡ nữa, mà đã tăng cả về số lượng và quy mô. Đua xe đã lan rộng trong thanh niên thu hút hàng ngàn người tham gia, có tổ chức khá chặt chẽ như việc thông báo cho nhau khi có công an chặn bắt để tản ra chạy từng nhóm nhỏ lao vào các hẻm bên đường để đối phó với lực lượng công an.
Thành phần không chỉ là những bất hảo hay thanh niên hư hỏng mà có cả học sinh, sinh viên và một số thanh niên con nhà tử tế hay nữ thanh niên. Nếu như trước kia đua xe chỉ xảy ra ở một số tuyến đường của vài quận trung tâm hay con đường lớn vắng người thì nay lan ra khắp các con đường lớn nhỏ trong các quận của thành phố. Khách quan mà nói, giới trẻ đam mê tốc độ và sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình mà không chút băn khoăn. Khi gặp nạn “quái xế” được bạn đua quay lại thu dọn “chiến trường” sạch sẽ và bốc hốt người bị nạn khỏi hiện trường để thoát khỏi sự điều tra của cơ quan chức năng.
Đua xe trái phép rầm rộ là một hiện tượng mới nổi trong thời gian gần đây và rất đáng để những nhà quản lý xã hội quan tâm. Theo tôi, những thanh niên tham gia đua xe có thể là dịp để họ xả strees, muốn thử sức mình hay tìm cảm giác mạnh. Liệu đây có phải là nhu cầu khách quan của bộ phận thanh thiếu niên? Vấn đề đặt ra nếu dẹp không được nên chăng chúng ta tạo môi trường cho “quái xế” tham gia đua xe như lập trường đua xe gắn máy như một môn thể thao cảm giác mạnh với nhiều thể thức để thanh thiếu niên ttham gia.
Trường đua xe gắn máy mở ra cho nhiều loại xe, từ phân khối nhỏ đến phân khối lớn và không chỉ dành cho vận động viên chuyên nghiệp mà dành cho tất cả thanh niên trong xã hội để họ có dịp “thử sức” với sân chơi phù hợp với tuổi thanh niên. Ở đó chúng ta cho họ đăng ký tham gia đua thuận lợi mà không đòi hỏi phải đóng góp chi phí cao. Khi có sân đua, sẽ có các biện pháp an toàn bảo hộ cho vận động viên. Nếu như làm được như thế có lẽ sẽ hạn chế phần nào “quái xế” đua trên đường gây nguy hiểm cho người dân trên đường, bản thân và ngành công an không còn phải lo truy đuổi như trò chơi “bắt cút”-biện pháp mà nhiều năm qua cho thấy không hiệu quả cho mấy đối với các “quái xế”.
Mặc dù, Nghị định 34 vừa được ban hành có hình thức xử phạt “Quái xế” rất mạnh tay nhưng xe chưa phải là phương thuốc hữu hiệu để “đặc trị” “quái xế”. Bởi lẽ, tính mạng của “quái xế” còn bị họ xem nhẹ thì tiền phạt vài triệu hay hàng chục triệu “quái xế”cũng xem thường. Do đó, rất cần những nhà quản lý nghiên cứu tâm sinh lý thanh niên tìm giải pháp hạn chế dua xe và tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên để họ không còn tham gia làm “quái xế” để vi phạm luật pháp nữa.
Nguyễn Hoàng Quí (ở phường 24 quận Bình Thạnh): Gia đình và nhà trường cần phối hợp giáo dục và quản lý các em
Đua xe là tệ nạn gây mất an ninh trật tự đường phố, làm nguy hiểm đến tính mạng nguời dân trong khu vực gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua. Nhà nước có biện pháp mạnh kết hợp với chương trình giáo dục cho thanh thiếu niên. Song song đó cần có quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường đối với thanh thiếu niên quậy phá, lêu lỏng đi đua xe trái phép. Gia đình cụ thể là cha mẹ các em cần có sự giáo dục cho các em và đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của con em trong gia đình.
Đứng về mặt nhà trường cần có sự giáo dục nghiêm túc về luật giao thông cũng như phân tích thấu đáo về những tác hại gây ra do hành vi quậy phá, đua xe gây ra gây rối trật tự trên đường phố. Các lực lượng giao thông cần mạnh tay, tịch thu phương tiện của những tay đua xe trái phép. Theo tôi, sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và lực lượng cảnh sát giao thông sẽ giải quyết rốt ráo một cách căn cơ, dứt điểm tình trạng đua xe, đi bão vào ban đêm của một bộ phận thanh thiếu niên.
Võ Hữu Phước-đạo diễn Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu: Đua xe trái phép là hành vi phi văn hóa
Hành vi đua xe không quý bản thân, làm buồn cha mẹ, gây thương tật hoặc làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Trong khi TP đang phát động sống có văn hóa, văn minh nhưng các em tụ tập đua xe trái phép là phi văn hóa.
Tôi đã từng hợp tác với hãng Chánh Phương thực hiện phim “Chết lúc nửa đêm”. Phim này đã đoạt giải “Cánh diều vàng” của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2008. Ca sĩ Kasin Hoàng Vũ đóng vai chính. Phim khắc họa và lên án nạn thanh thiếu niên thành phố đua xe trái phép. Nhân vật trong phim trong lúc đua xe gắn máy đụng chết một phụ nữ mang thai đang đứng trên lề đường. Oan hồn người phụ nữ đã ám ảnh “yên hùng” này suốt đời đến nỗi yên hùng này bị điên-một kết cục “quả báo nhãn tiền”.
Tôi nghĩ rằng, giới văn học Việt Nam nên có nhiều tác phẩm phản ánh về vấn nạn này để cho nhiều thanh thiếu niên xem để qua đó cho thấy việc đua xe trái phép là hành vi không văn hóa, gây nguy hiểm cho đồng loại. Tôi nghĩ ngành thể dục thể thao TP cần có thể thức đua xe gắn máy để những thanh thiếu niên thích cảm giác mạnh đăng ký đua xe. Việc quy hoạch khu đua xe cảm giác mạnh sẽ giúp các em có sân chơi.
Trần Thanh (thực hiện)
- Bài liên quan: TP Hồ Chí Minh: “Quái xế” lại lộng hành