Hãng AFP ngày 24-10 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Mỹ rất mong có thể ký Hiệp định An ninh song phương Mỹ - Afghanistan (BSA) trong thời gian sớm nhất trước khi Mỹ và Khối hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Washington phải khẩn trương xúc tiến ký BSA trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh ảnh hưởng tại Kabul và xa hơn là cả khu vực Trung Á.
Kế hoạch đại Trung Á
Nếu việc ký kết thành công, khoảng 5.000 - 10.000 binh sĩ Mỹ và NATO trong tổng số 87.000 quân sẽ ở lại nước này sau năm 2014 nhằm đối phó với tàn dư của Al-Qaeda và huấn luyện cho quân đội Afghanistan. Tuy nhiên, vấn đề khúc mắc lớn nhất giữa 2 bên cho tới nay là quy chế miễn trừ đối với lính Mỹ, việc trao quyền tự do tiến hành các chiến dịch quân sự cho lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Afghanistan và số lượng căn cứ quân sự Mỹ sẽ được duy trì sau năm 2014. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai coi các yêu sách này của Mỹ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Afghanistan.
Một số chuyên gia nhận định Afghanistan luôn đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược của Mỹ tại Trung Á. Washington đã đề xuất kế hoạch “Con đường tơ lụa mới” với tâm điểm là Afghanistan. Với kế hoạch này, Mỹ muốn kiểm soát và gây ảnh hưởng hợp nhất các nước ở Trung và Nam Á, các nước ngoại Caucasus, thậm chí cả Mông Cổ và khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Bởi vậy, nó còn có tên gọi khác là “kế hoạch đại Trung Á”, vốn là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm quay trở lại hay tái cân bằng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bản chất kế hoạch của Mỹ là Washington muốn kiểm soát Kabul, song không muốn đầu tư tiền. Mỹ hy vọng nguồn lực sẽ được các nước láng giềng của Afghanistan cung cấp.
Với lập trường cứng rắn của Tổng thống Karzai, Mỹ hiện rất lo ngại sẽ lặp lại tương tự thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Iraq vào năm 2011. Thời điểm đó, thỏa thuận giữa 2 bên cũng thất bại do vấn đề quyền miễn truy tố đối với binh lính Mỹ. Tuy nhiên, người phát ngôn phủ Tổng thống Afghanistan Aimal Faizi cho biết đã có nhiều tiến triển trong việc đàm phán về dự thảo văn kiện hiệp định BSA, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Khan Mohammadi bày tỏ tin tưởng Hội đồng các trưởng lão cũng sẽ tán thành dự thảo hiệp định trước khi được trình quốc hội thông qua.
Sức nóng từ Nga, Trung Quốc
Mỹ càng sốt ruột hơn khi mà 2 cường quốc khác là Nga và Trung Quốc cũng đang tìm cách giành ảnh hưởng tại quốc gia Trung Á này. Với Nga, việc Mátxcơva muốn quay trở về vùng đất cũ xuất phát từ nhiều lý do. Đầu tiên, việc Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan đặt Nga trước vấn đề đe dọa an ninh nghiêm trọng. Nga muốn thiết lập các tiền đồn ở Afghanistan bởi mức báo động ngày càng cao về sự trỗi dậy của các tay súng Hồi giáo, những phần tử vốn đã gieo rắc bất ổn cho các quốc gia thời hậu Liên Xô như Tajikistan và Uzbekistan suốt những năm 1990 đầy hỗn loạn.
Bên cạnh đó, Nga đang phải đối mặt việc sản xuất ma túy bùng nổ dưới sự giám sát của NATO ở Afghanistan. Nhiều tổ chức tội phạm đã thực hiện việc vận chuyển thông qua vùng Trung Á và Nga là một trong những điểm đến của những kẻ buôn bán ma túy. Ngoài ra, Afghanistan cũng được tính đến trong ý tưởng phát triển Liên minh Á-Âu của Nga là nhằm bảo vệ vị thế hàng đầu của nước này tại không gian hậu Liên Xô.
Với Trung Quốc, nước này không hề giấu giếm mong muốn tạo chỗ đứng tại Trung Á. Điều này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định qua việc công bố ý tưởng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” hồi đầu tháng 9 trong chuyến công du các nước Trung Á. Dự án này vô cùng tham vọng với mong muốn phát triển toàn diện, mở rộng ra các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, với khả năng hợp nhất một khu vực có khoảng 3 tỷ người sinh sống.
Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước, Trung Quốc đã đầu tư vào không ít các dự án khai thác khoáng sản tại Afghanistan. Dự án mới và đáng lưu ý nhất đó là Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã bắt tay khai thác dầu ở lưu vực sông Amudarya thuộc miền Bắc Afghanistan.
ĐỖ CAO (tổng hợp)