Ngày 26-1, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã tổ chức cuộc giao lưu “Hiệp định Paris và tấm lòng bạn bè quốc tế”.
Tại buổi giao lưu, các đại biểu quốc tế đã một lần nữa khẳng định Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi lịch sử trọng đại của nhân dân Việt Nam, tiến hành trên 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Đây cũng là thắng lợi của tất cả những ai trên thế giới đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Ông Ramsey Clark, từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ năm 1967 - 1969 dưới thời Tổng thống Johnson cho biết, ngay khi ở trong chính quyền Mỹ, ông đã không tán thành những chính sách chiến tranh do giới quân sự đề ra. Sau khi rời chính quyền, ông Ramsey Clark tham gia vào phong trào hòa bình đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông Ramsey Clark cùng vợ sang Paris, gặp phái đoàn đàm phán của Việt Nam để tìm hiểu về thực tế Việt Nam. Sau cuộc gặp này, ông Ramsey Clark đã tham gia vào phong trào đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam và trở thành một trong những người rất nổi tiếng của phong trào. “Vào tháng 8-1972, tôi có chuyến thăm đáng nhớ tới Việt Nam. Lần ấy, tôi đã đi 6 tỉnh, thành phố miền Bắc để chứng kiến những nơi bị Mỹ ném bom và ghi lại nhiều hình ảnh về Việt Nam như đê sông Hồng hay cảnh người dân đang lao động. Khi trở về Mỹ, những bài báo và những bức ảnh về chuyến thăm này được đăng trên tạp chí Life đã giúp đông đảo người Mỹ hiểu rằng, hệ thống đê của Việt Nam không phải là những cơ sở quân sự. Khi ấy, tại Mỹ cũng nổ ra cuộc tranh luận về việc quân đội Mỹ có đánh phá hệ thống đê của miền Bắc hay không. Bài báo đã thức tỉnh dư luận Mỹ và nhiều người lên tiếng kiến nghị Liên hiệp quốc ngăn chặn việc này. Cuối cùng kế hoạch ném bom đê sông Hồng của quân đội Mỹ đã buộc phải hủy bỏ” - ông Ramsey Clark kể lại.
Với ông André Marcel Menras, ngay sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm thành phố Montpellier (Pháp), năm 1968, ông sang Việt Nam dạy học tại Trường Blaise Pascal (Đà Nẵng) theo một chương trình hợp tác văn hóa giữa chính phủ Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đến năm 1969 chuyển về dạy tại Trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn.
Ông tâm sự: “Tôi sang Việt Nam đúng thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang diễn ra vô cùng ác liệt. Tận mắt chứng kiến nhiều cảnh tượng đau thương do chiến tranh gây ra, điều đó khiến tôi, một người thầy giáo, không thể chịu nổi. Tôi quyết định phải làm gì đó để ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam”. Tháng 7-1970, André Marcel Menras cùng Jean Pierre Debris (một người bạn Pháp) treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước Hạ nghị viện (Quốc hội) Việt Nam Cộng hòa (nay là Nhà hát lớn TPHCM) và rải truyền đơn đòi Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Việt Nam. Với những hành động trên, ông bị bắt và giam suốt 2 năm rưỡi tại Trung tâm cải huấn Chí Hòa. Đến ngày 1-1-1973, ông bị trục xuất khỏi Việt Nam. “Khi được trả tự do từ nhà lao Chí Hòa, tôi bí mật lấy danh sách tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Côn Đảo, Chí Hòa, Tân Hiệp và Phú Quốc lúc đó. Danh sách ấy tôi gửi tận tay cho bà Phạm Thị Minh (phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) để giúp bác bỏ luận điệu của phái đoàn Việt Nam Cộng hòa và Mỹ rằng không có tù nhân chính trị tại miền Nam Việt Nam.
Giám mục Thomas J. Gumbleton (Mỹ) không phải là một cái tên xa lạ đối với nhiều người Việt Nam. Bởi lẽ ngoài việc từng tham gia các hoạt động chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, hiện ông đang tích cực hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Ông cho biết: “Tôi tham gia vào phong trào chống chiến tranh tại Việt Nam từ cuối những năm 1960. Vào cuối năm 1972, những cuộc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam đang tiến gần đến thỏa thuận rằng Mỹ sẽ phải rút lui. Sau đó những cuộc ném bom bắt đầu diễn ra vào thời điểm Giáng sinh. Rõ ràng không có lý do quân sự để làm việc đó, những cuộc ném bom khốc liệt lên các thành phố ở miền Bắc là âm mưu để thuyết phục chính phủ miền Nam Việt Nam rằng Mỹ chắc chắn hỗ trợ họ sau khi rút lui. Đó là lý do tôi nhận thức rằng cần đến Việt Nam càng sớm càng tốt để đưa ra lời phản đối chống chiến tranh mạnh mẽ và đặc biệt là chống lại những cuộc ném bom tàn khốc này”.
Với ông Michel Strachinescu, người lái xe đưa đón đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên những nẻo đường hoạt động và đấu tranh tại Pháp, những câu chuyện 40 năm trước vẫn còn như mới hôm qua. Ông kể lại: “Tôi lúc đó là thành viên Đảng Cộng sản nhưng không phải làm nghề lái xe. Thế rồi Đảng Cộng sản Pháp cần có lái xe cho đoàn bà Nguyễn Thị Bình và đề nghị tôi làm. Tôi biết đó là một nhiệm vụ và trách nhiệm không nhỏ. Tôi đồng ý và làm việc đó trong 4 năm. Ngoài ra, một nhiệm vụ khác của tôi là đem thư từ Verriere-le-Buisson đi gửi, vì thư từ lúc đó của đoàn lo ngại bị bưu điện kiểm duyệt nên chúng tôi trực tiếp mang đi, thường là mang bỏ thùng thư ở quận 16. Một hôm, xe đang đi trên đường cao tốc, bất ngờ chiếc đế cắm cờ bằng nhôm bị gãy, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bay xuống đường. Tôi làm dấu hiệu khẩn cấp, dừng xe lại và bước xuống, len vào giữa dòng xe đang ầm ầm lao đến nhặt vội lá cờ lúc đó bay ra xa khoảng 200m. Nhiều lái xe đã hét lên tưởng tôi bị điên. Về nhà kể lại nhiều người cũng bảo là nguy hiểm quá. Nhưng tôi nghĩ rằng nhất định không bao giờ để lá cờ bị mất...”.
Trần Lưu