Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 5-10 thông báo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ chính thức có hiệu lực từ 4-11 tới. Đây được coi là bước đột phá trong giải quyết thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hồ La Angostura ở Bolivia cạn khô nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Cần tuân thủ cam kết
Theo trang mạng của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Hiệp định Paris hiện đã nhận được sự phê chuẩn của 72 quốc gia chiếm hơn 56% khí thải nhà kính toàn cầu.
Trong tuyên bố chính thức, ông Ban Ki-moon đánh giá động lực toàn cầu để đưa Hiệp định Paris có hiệu lực trong năm 2016 là “phi thường”. Sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế là minh chứng cho tính cấp thiết của vấn đề cũng như phản ánh sự đồng thuận của các chính phủ rằng hợp tác toàn cầu là cần thiết để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu.
Ông Ban Ki-moon gửi lời chúc mừng tới những nước đã ký Hiệp định Paris, đồng thời hối thúc các nước đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn trong nước để thông qua hiệp định sớm nhất có thể trước Hội nghị lần thứ 22 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP22) dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 18-11 tại Marrakes, Morocco.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ niềm vui mừng trước thông tin Hiệp định Paris sẽ có hiệu lực từ ngày 4-11 tới, nhận định đây là công cụ giải cứu Trái đất hữu hiệu nhất. Theo ông Obama, văn kiện này sẽ góp phần làm chậm hoặc tránh được những hậu quả tồi tệ nhất. Ông Obama nhấn mạnh: “Nếu chúng ta tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Paris, lịch sử sẽ ghi nhận đây là một bước ngoặt đối với hành tinh của chúng ta”.
Nỗ lực của cả thế giới
Với kết quả bỏ phiếu 610 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 31 phiếu trắng, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và dự kiến sẽ trình báo LHQ việc phê chuẩn hiệp định này vào ngày 7-10 tới.
Nhiều nước khác như Bolivia, Malta, Nepal đã hoàn tất quy trình thông qua Hiệp định Paris. Mới nhất, Quốc hội Canada ngày 5-10 đã thông qua Hiệp định Paris với 207 phiếu thuận và 81 phiếu chống nhằm mục tiêu giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Môi trường Catherine McKenna nhận định đây là bước đi nghiêm túc đầu tiên của Ottawa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu sau 10 năm thiếu vắng hành động.
Đánh giá về sự kiện Bộ trưởng Môi trường các nước thành viên EU nhất trí thông qua Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được coi như một thông điệp đoàn kết, động lực mới giúp củng cố sự thống nhất của khối.
Trước đó, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng, quyết định rời EU của Anh (Brexit) hồi tháng 6 vừa qua có thể làm gián đoạn các nghiên cứu cũng như cam kết chống biến đổi khí hậu của khối. Tuy Brexit không hẳn cách ly nước Anh với môi trường quốc tế, nhưng sự gián đoạn trong những hành động liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có môi trường là có thể xảy ra.
Trong khi đó Anh từ lâu đã ủng hộ các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, vận động cho chính sách giảm lượng khí thải carbon 80% vào năm 2050. Trong bối cảnh liên minh đang chật vật đối phó với các tác động do Anh quyết định rời khỏi khối cùng những chia rẽ sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư, những tưởng EU khó có thể thông qua nhanh chóng thỏa thuận này vì phải đối mặt với nhiều rào cản. Tuy nhiên, việc tất cả các nước phê chuẩn sớm Hiệp định Paris rõ ràng là bước tiến mới, khẳng định rằng EU vẫn là một khối thống nhất và vẫn có thể đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề.
Quan trọng hơn, cũng như nhiều khu vực khác, châu Âu nhận thấy hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao và sa mạc hóa gia tăng đều có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu với những hệ lụy vô cùng nguy hiểm.
VIỆT ANH (tổng hợp)