(SGGPO).- Sáng 9-11, tại TPHCM, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) cùng Công ty Điện tử Hanet Việt Nam (HANET) đã chính thức ký kết văn kiện đối tác chiến lược trong việc khai thác bản quyền tại các trung tâm kinh doanh karaoke với tên gọi Dự án SHARE OUR C.A.K.E.
Theo đó, các trung tâm kinh doanh karaoke có sử dụng các thiết bị của HANET sẽ được kết nối Internet để cập nhật bài hát tự động và kèm theo đó là hiển thị các thông tin quảng cáo. Số tiền thu được từ kênh quảng cáo này sẽ được dùng để thanh toán tiền phí bản quyền sử dụng ca khúc, chia cho trung tâm karaoke và thực hiện các hoạt động truyền thông.
Lễ ký kết khai thác bản quyền tại các trung tâm kinh doanh karaoke - Dự án SHARE OUR C.A.K.E
Dự kiến tỷ lệ phân chia doanh thu từ quảng cáo sẽ là: 25% cho chủ sở hữu bản quyền (ca sĩ); 10% cho trung tâm kinh doanh karaoke, 30% cho đại lý khai thác quảng cáo (agency); 15% cho HANET và 20% dùng để đầu tư cũng như bảo trì hệ thống.
Hiện nay, hệ thống quảng cáo này đang được triển khai thử nghiệm tại một số trung tâm karaoke trên cả nước và sẽ đi vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2017.
Với công nghệ trực tuyến, hệ thống của HANET sẽ có thể cập nhật gần như ngay tức thời các ca khúc mới thay vì mất khoảng 1-2 tuần bằng phương pháp thủ công như hiện nay. Đồng thời hệ thống này cũng đánh giá số lượng ca khúc khách hàng lựa chọn, các ca khúc có hay không có gắn với quảng cáo để có con số chính xác.
Tất cả các thông tin về về số lượng lựa chọn, quảng cáo sẽ được RIAV và các trung tâm kinh doanh karaoke giám sát để bảo đảm tính minh bạch.
Theo HANET, hiện nay có khoảng 20.000 phòng hát karaoke trên cả nước sử dụng hệ thống của đơn vị này và dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào cuối năm 2017. Với 40.000 phòng, mức thu bản quyền tối đa của một ca sĩ có ca khúc được sử dụng có thể lên đến 200 triệu đồng/tháng. Với các trung tâm karaoke thì mức thu từ việc quảng cáo sẽ dao động ở khoảng 150 đến 400 triệu đồng tùy vào quy mô.
Theo ông Trần Chiến Thắng, chủ tịch RIAV, việc thu phí bản quyền sử dụng các ca khúc trong lĩnh vực kinh doanh karaoke đã được triển khai từ lâu nhưng hiệu quả không cao. Một phần là mức thu khoảng 2.000 đồng/bài/phòng-máy/năm có vẻ ít nhưng với hàng ngàn bài hát đang được sử dụng, trung bình mỗi phòng-máy sẽ phải trả đến 20 triệu đồng/năm.
Với nhiều trung tâm karaoke có số phòng khoảng từ 20 trở lên, số tiền bản quyền có thể lên đến trên 400 triệu/năm, rõ ràng khiến các đơn vị kinh doanh e ngại. Đó là chưa kể việc giám sát, thu tiền, phân chia theo kiểu cũ cũng gặp rất nhiều vấn đề về tính minh bạch, cụ thể, thậm chí có trường hợp đã bị kiện phải thanh tra, kiểm tra. Với hình thức dùng quảng cáo để hỗ trợ phí bản quyền như với SHARE OUR C.A.K.E, tất cả các bên đều có lợi sẽ góp phần khuyến khích việc tôn trọng bản quyền.
Ông Võ Đức Thọ, giám đốc HANET cho biết, mô hình dùng quảng cáo hỗ trợ kinh doanh không phải mới lạ ở Việt Nam mà tiêu biểu nhất đã được dùng nhiều ở các rạp chiếu phim. Hình thức quảng cái này được đánh giá có hiệu quả cao, chi phí thấp chưa kể có thể định hướng đối tượng quảng cáo như các phòng karaoke khu vực trung tâm đô thị lớn sẽ có quảng cáo khác với các phòng ở khu ngoại ô…
Tuy nhiên, dự án SHARE OUR C.A.K.E cũng còn một số vấn đề cần cụ thể hơn trong thời gian tới như việc RIAV chỉ được ủy quyền thu phí của bản ghi âm, còn bản quyền ca khúc do nhạc sĩ sở hữu lại thuộc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Theo HANET, họ đã được trung tâm ủy quyền sử dụng một số lượng nhất định các ca khúc của những nhạc sĩ do trung tâm này làm đại diện.
Mô hình thu phí bản quyền thông qua hình thức quảng cáo đang được đánh giá là mô hình hiệu quả trong tình hình thực tế vấn đề bản quyền Việt hiện còn nhiều khó khăn trong việc thực thi.
| |
TƯỜNG VY