Hiệp sĩ… điều tiết giao thông

Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt, tại ngã ba Lê Quý Đôn - Võ Thị Sáu (TPHCM), ai cũng muốn nhích xe lên một chút, rồi ùn tắc giao thông lúc nào không hay. Bất chợt, một người đàn ông nhỏ thó, đen nhẻm mặc chiếc áo thun bạc phếch, in hàng chữ “Hiệp sĩ giao thông” xuất hiện với chiếc gậy điều tiết giao thông lao ra giữa đường. Anh tới lui, hướng dẫn từng chiếc xe đi đúng phần đường.
Hiệp sĩ… điều tiết giao thông

Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt, tại ngã ba Lê Quý Đôn - Võ Thị Sáu (TPHCM), ai cũng muốn nhích xe lên một chút, rồi ùn tắc giao thông lúc nào không hay. Bất chợt, một người đàn ông nhỏ thó, đen nhẻm mặc chiếc áo thun bạc phếch, in hàng chữ “Hiệp sĩ giao thông” xuất hiện với chiếc gậy điều tiết giao thông lao ra giữa đường. Anh tới lui, hướng dẫn từng chiếc xe đi đúng phần đường.

Nghiện… gỡ kẹt xe

Có người bực mình, không hiểu ở đâu “chui” ra cái ông chỉ trỏ tới lui rối mắt. Nhưng rồi nhiều người bắt đầu hưởng ứng theo cây gậy chỉ đường với động tác đầy dứt khoát của anh. Ngã tư ùn tắc sau chừng 10 phút quang hẳn. Anh Linh “hiệp sĩ” ướt đẫm mồ hôi bước vào lề đường, vội vàng lên xe tiếp tục đến điểm kẹt xe khác gần đó.

Địa điểm tiếp theo anh đến là chân cầu Lê Văn Sỹ, đây là địa điểm thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Người dân sống ở gần chân cầu than thở: “Chỗ này có khi kẹt từ góc chân cầu Lê Văn Sỹ và đường Trường Sa, Hoàng Sa đến tận ngã ba đường Kỳ Đồng - Trần Quốc Thảo”.

Nguyên nhân của điểm kẹt xe này là do xe lưu thông từ đường Trường Sa qua cầu Lê Văn Sỹ được phép rẽ trái chạy vào đường Hoàng Sa sẽ chắn ngang dòng xe lưu thông theo hướng từ đường Trần Quốc Thảo qua đường Lê Văn Sỹ (và ngược lại) gây ra kẹt xe. Các bác tài xe buýt và người dân cho rằng, nên cắm bảng cấm các phương tiện rẽ trái qua đường Hoàng Sa và Trường Sa ngay hai bên chân cầu Lê Văn Sỹ từ 16 giờ 30 đến 19 giờ sẽ giúp xe lưu thông qua khu vực cầu này dễ dàng hơn.

Anh Nguyễn Văn Linh điều tiết giao thông ở chân cầu Lê Văn Sỹ thuộc phường 7, quận 3

Thấy nguyên nhân gây kẹt xe nên mỗi ngày vào giờ cao điểm, anh Linh lại tới chân cầu Lê Văn Sỹ để điều tiết. Tại điểm này anh phải đứng giữa lòng đường chỉ dẫn cấm rẽ trái và trở thành “cột đèn tín hiệu di động” để phân luồng giao thông hợp lý.

Hơn 10 năm qua, anh luôn xuất hiện ở những điểm kẹt xe thiếu lực lượng cảnh sát giao thông ra điều tiết. Anh Linh nói: “Mỗi ngày, cứ nghĩ đến cảnh kẹt xe là trong người tôi cảm thấy bức rức, bồn chồn, cứ như tới cơn… nghiện vậy, không thể làm việc khác được nên xách xe đi thôi.”

Ngày nào cũng vậy, anh loay hoay chạy qua, chạy lại các giao lộ để phân luồng giao thông. Ở ngã tư Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn, một bác tài xe buýt tuyến số 28 chạy qua, đưa tay chào anh, nói: “Xong chỗ này có chạy qua cầu Lê Văn Sỹ không, chỗ đó giờ cũng đang kẹt dữ lắm”.
­­­­­­­­­“Có chứ, xong chỗ này là tôi chạy qua liền”, anh Linh trả lời một cách vui vẻ.

Một bằng ba, bốn người

Khoảng giữa năm 2005, trên đường chở con đi học về thì anh Linh bị kẹt xe, thấy vậy anh tấp vào lề đường cho con giữ xe rồi ra hướng dẫn cho luồng xe đi. Thấy việc mình làm giúp cho nhiều người đi nhanh hơn nên anh làm luôn tới giờ.

Bác Tuấn sửa đồng hồ gần chân cầu Lê Văn Sỹ nhìn anh làm rồi nhận xét: “Ai thấy Linh điều tiết giao thông cũng đều khâm phục, một mình Linh làm bằng ba, bốn người cộng lại, cứ như nó sinh ra để làm công việc này vậy”.

Anh tên là Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1972, quê ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Năm 2005, anh Linh vào TPHCM lập nghiệp, rồi cùng với anh ruột và em vợ mướn một khoảnh đất trống trên quốc lộ 1A (thuộc quận Bình Tân) để hành nghề rửa xe. “Ở phường 7 quận 3, chúng tôi thường thấy anh xuất hiện vào những giờ cao điểm kẹt xe. Nơi nào anh tới là nơi đó đường sá thoáng hơn. Chúng tôi rất quý hành động của anh và đang đề xuất lên quận để khen thưởng vì có thành tích góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương”, ông Trương Anh Tài, Phó Công an phường 7, quận 3 nói.

Để có được kinh nghiệm như hiện nay, lúc đầu anh Linh xem cách hướng dẫn phân luồng giao thông trên mạng, nghe nhiều người hướng dẫn, lâu dần anh đúc kết được kinh nghiệm. Anh bảo khi tới các điểm kẹt xe nếu mình xác định được nguyên nhân gây tắc đường thì sẽ gỡ rối dễ hơn.

Anh kể đi làm nhiều lúc cũng vui lắm, có hôm gặp trời mưa, người ướt nhẹp, có khách đi đường mua áo mưa cho anh bận, nhưng cũng chỉ được một lát là rách bươm do xe va quẹt vào người. Có lần nguy nhất là vào năm 2012, trên quốc lộ 1A trước chỗ anh làm (anh làm nghề rửa ô tô ngay ngã ba đường Hồ Học Lãm và quốc lộ 1A, thuộc quận Bình Tân) trời mưa nước ngập quá đầu gối, mặt đường xuất hiện một hố sụt lún có đường kính rộng hơn 2,5m, sâu hơn 1m. Nhiều xe tải, xe máy bị sụp hố phải nhờ xe cẩu đến kéo lên, nhiều người bị tai nạn nhập viện. Thấy vậy anh ra đứng trước miệng hố để ra hiệu cho người đi đường biết. Sau đó từ xa xuất hiện một chiếc xe ben lao thẳng về phía anh. Lúc ấy, người đi đường hô hoán, tài xế mới kịp dừng lại. 

Lan tỏa cộng đồng

Gia đình anh cùng mướn một phòng trọ ở gần chỗ anh làm, ở chung với vợ và con trai. “Mỗi tối đi làm về, lại gặp trời mưa thế nào cũng bị vợ càm ràm là lo việc ngoài đường để rồi rước bệnh vào thân. May mắn, cả chục năm qua nhờ trời thương nên tôi không gặp bệnh tật gì”, anh Linh vừa kể vừa cười xuề xòa. Tôi tò mò hỏi về thu nhập, anh bảo: “Những ngày bình thường, làm chung nhóm 2 - 3 người, anh em làm xong chia nhau có khi được 100.000 - 200.000 đồng, có hôm chỉ vài chục ngàn đồng”.

Vừa nói anh vừa nhìn ra ngoài đường, trời mưa mịt mù. Nơi khách ngồi chờ rửa xe có diện tích khoảng 4m², phía trên là mái tôn đã mục nát. Anh phải liên tục xê dịch chỗ ngồi vì nước mưa bên ngoài tạt vào, phần nữa nước mưa dột từ mái tôn xuống. Phía trên tường là những tấm bằng khen được treo ngay ngắn. Đây là những ghi nhận của các cơ quan báo, đài vì anh đã nhiều lần hỗ trợ thông tin trên báo chí. Chiếc áo có dòng chữ “Hiệp sĩ giao thông” là anh được Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tặng. Đây là món quà mà anh quý nhất.

Mặc cho nắng bụi mùa khô và ướt lạnh trong mùa mưa, hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, anh lại mang theo chiếc gậy lên xe đến những nơi mà người dân cần anh nhất. Phần thưởng dành cho anh đôi khi chỉ là chiếc áo mưa của người đi đường gửi tặng “hiệp sĩ” lúc trời mưa gió, là những ca trà đá mát lạnh của bác bảo vệ ven đường, hay những cái chào của các tài xế khi chạy ngang qua nơi anh làm việc, cũng đủ làm anh thấy sung sướng khi biết việc làm có ý nghĩa của mình.

QUANG KHOA

Tin cùng chuyên mục