UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”, và nộp đơn đăng ký cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu này. Với thông tin này, nhiều bạn đọc thắc mắc, đề nghị chuyên mục Luật sư của bạn cung cấp thông tin quy định pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu.
Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), có 4 loại nhãn hiệu là: nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài đặc điểm chung là dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất - kinh doanh khác nhau, mỗi loại nhãn hiệu có một chức năng riêng, đặc điểm riêng. Trong đó, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà mỗi sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu này đều đạt được một tiêu chuẩn chung về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác.
Bằng việc đặt ra những quy chuẩn chung, nhãn hiệu chứng nhận đối với các món ăn truyền thống là một cơ sở quan trọng để giúp những món ăn này không bị mai một về nguồn gốc và có cơ hội lan tỏa sâu rộng, bền vững hơn. Hiện nay tại Việt Nam, một số nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp văn bằng bảo hộ là bò sữa Ba Vì, thanh long Bình Thuận, chè Ba Vì, rau Đà Lạt… Việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” là việc làm cần thiết để khẳng định nhãn hiệu bún bò Huế là nhãn hiệu của cộng đồng, có tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo người dân, khách du lịch sẽ được thưởng thức món bún bò Huế đúng chất Huế, hợp an toàn vệ sinh thực phẩm tại những cơ sở sử dụng nhãn hiệu này.
Xét trên khía cạnh sở hữu trí tuệ, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào khác muốn sử dụng tài sản trí tuệ của người khác đều phải có sự đồng ý của chủ sở hữu. Do đó, việc phải xin phép chủ sở hữu là đương nhiên. Với nhãn hiệu chứng nhận cũng vậy, đặc biệt, vấn đề xin phép còn đặt ra quan trọng hơn vì nếu để bất cứ chủ thể nào cũng được tự do sử dụng nhãn hiệu thì sẽ không đảm bảo những tiêu chuẩn đặt ra trong quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Suy cho cùng, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với đặc sản văn hóa của các địa phương là việc làm cần thiết, vì nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam lơ là bảo hộ sở hữu trí tuệ nên bị rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)