Hiệu quả giám sát rừng từ trên cao

Tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% với hơn 539.000ha đất rừng. Những năm qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp. Vì vậy, các đơn vị chủ rừng và cơ quan quản lý đã trang bị máy móc, thiết bị giám sát từ trên cao (flycam) hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.
Thiết bị flycam có thể phân biệt cây khô ngã đổ (khoanh tròn) với cây rừng bị chặt, đồng thời lưu trữ hiện trạng rừng tại từng thời điểm
Thiết bị flycam có thể phân biệt cây khô ngã đổ (khoanh tròn) với cây rừng bị chặt, đồng thời lưu trữ hiện trạng rừng tại từng thời điểm

Giám sát nhanh

Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (QLRPHĐN) Đa Nhim hiện quản lý 40.825,3ha rừng trải đều ở 50 tiểu khu, nằm trên địa bàn 5 xã và 1 thị trấn của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Diện tích rừng lớn nhưng đơn vị chỉ có hơn 40 người (bao gồm cả nhân sự làm việc hành chính), nên mỗi người làm công tác trực tiếp ngoài hiện trường đang quản lý bình quân trên 1.000ha/người. Địa bàn rộng, chia cắt bởi đồi núi nên công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng những năm qua gặp nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo Ban QLRPHĐN Đa Nhim, bình thường để đi kiểm tra rừng, cán bộ kiểm lâm phải qua mấy ngọn đồi mất thời gian cả ngày, càng vất vả hơn khi trời mưa, đường rừng trơn trượt không thể đi bằng xe máy. Do đó, đưa flycam vào hỗ trợ tuần tra, bảo vệ rừng đã phát huy hiệu quả khi giúp lực lượng giữ rừng bao quát khu vực rộng lớn, rút ngắn thời gian tuần tra trực tiếp.

Anh Trịnh Văn Phi, cán bộ phụ trách trạm thuộc Ban QLRPHĐN Đa Nhim, cho biết: “Chỉ cần dùng hết thời lượng của 3-5 cục pin (tương đương bay khoảng 60-100 phút) của flycam là có thể bao quát được hết khu vực rộng vài ngọn đồi, tiết kiệm rất nhiều thời gian”.

Theo ông Liêng Jrang Ha Rô Ky, Chủ tịch UBND xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), xã có hơn 21.000ha rừng, chiếm phần lớn diện tích tự nhiên nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Có những lần đơn vị chủ rừng dùng flycam phát hiện đám khói trong rừng và thông báo để địa phương phối hợp xác minh, chính quyền xã cử người ở khu vực gần nhất đến kiểm tra thì kịp thời phát hiện đám cháy. Đây cũng là một trong những cách giải quyết nhanh đối với những vấn đề liên quan đến rừng.

Còn tại huyện Đức Trọng, theo chân các cán bộ kiểm lâm, lực lượng nhận khoán quản lý rừng thuộc Ban QLRPH Đại Ninh đi tuần tra trên một cánh rừng thông tự nhiên, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến cán bộ kiểm lâm của Ban QLRPH Đại Ninh sử dụng flycam để theo dõi diễn biến rừng vào mùa khô và quan sát diện tích rừng đơn vị giao khoán cho các hộ dân tại đây. Flycam gọn nhẹ, dễ mang theo khi đi rừng là một trong những lợi thế, cùng với camera phân giải cao truyền tải hình ảnh trực tiếp về thẻ nhớ đã hỗ trợ các đơn vị làm tốt công việc tuần tra, phát hiện sớm những bất thường.

Cần nhân rộng

Năm 2020, bằng nguồn tài trợ, Ban QLRPHĐN Đa Nhim được trang bị một flycam để hỗ trợ tuần tra rừng. Từ hiệu quả thực tế, đơn vị đã trang bị tổng cộng 7 flycam, mỗi trạm canh giữ ở trong rừng được trang bị tối thiểu 1 cái. “Hình ảnh được sao lưu, có thể bung lớn hơn, bay thấp xuống nơi có nghi ngờ và trực tiếp lưu vào thẻ nhớ, cũng có thể chụp hoặc quay lại bằng video và mang về đơn vị để làm tư liệu phân tích kỹ hơn.

Thậm chí, thông qua hình ảnh thu được, cán bộ giữ rừng có thể xác định được cả vị trí từ dữ liệu GPS trên thiết bị”, ông Đinh Hữu Đạo, Phó Trưởng Ban QLRPHĐN Đa Nhim, thông tin. Còn theo ông Vương Anh Dũng, Phó Ban QLRPH Đại Ninh, ở những khu vực rừng có địa hình đồi dốc hiểm trở, trơn trượt, ở những nơi vực sâu, hay ở vùng xa khó khăn trong việc tiếp cận bằng xe máy hay đi bộ thì flycam sẽ phát huy hiệu quả rất cao.

Hầu hết các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng đều khẳng định rằng, flycam rất có ích cho lực lượng bảo vệ rừng trong việc hỗ trợ phát hiện các đám cháy, hoạt động chặt phá rừng, giúp lực lượng đo đạc, kiểm tra rừng… Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng Vũ Đình Cường cho biết, qua quá trình sử dụng, flycam đã phát huy được hiệu quả là công cụ hỗ trợ thường xuyên theo dõi tình hình tài nguyên rừng.

“Ngoài hỗ trợ rà soát địa bàn nhanh, bao quát thì với hình ảnh lưu trữ thực tế, lực lượng chức năng có thể lưu trữ, đối chiếu khi có sự biến động về cây rừng, lấn chiếm, chặt phá rừng. Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu đưa về vẫn đang lưu trữ trên nhiều thiết bị sẵn có của mỗi đơn vị, dung lượng nhỏ, chưa lưu trữ được lâu để phục vụ đối chiếu trong thời gian dài cũng như đồng bộ hệ thống quản lý. Với những hiệu quả bước đầu đạt được, chúng tôi sẽ nhân rộng việc ứng dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng”, ông Cường nói thêm.

Tin cùng chuyên mục