Hiệu quả không kích của Nga ở Syria: IS đang tháo chạy

Hiệu quả không kích của Nga ở Syria: IS đang tháo chạy

Ngày 5-10, hãng tin Sputnik dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, hơn 3.000 chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận al-Nusra đã chạy từ Syria sang Jordan do lo ngại các chiến dịch tấn công của quân đội Tổng thống Bashar al-Assad và các cuộc không kích của Nga.

Các phi công của Nga tại căn cứ Hmeimim ở Syria

Hoảng loạn vì Sukhoi, KAB-250

Trước đó, Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang LB Nga, tướng Andrei Kartapolov, cho hay trong 4 ngày liên tiếp, không quân Nga đã có 60 cuộc tấn công vào hơn 50 cơ sở của IS ở Syria. Tướng Nga khẳng định các cuộc không kích đã làm xói mòn các cơ sở vật chất của IS và giảm sút đáng kể khả năng chiến đấu của phiến quân. Chiến đấu cơ Sukhoi-24M, Sukhoi-25, Sukhoi-34 và bom có độ chính xác cao KAB-250 đã được không quân Nga sử dụng để tiêu diệt IS.

Báo Al- Akhbar (Lebanon) cũng cho biết, các chỉ huy quân sự của IS đã bắt đầu sơ tán gia đình mình ra khỏi Raqqa đến thành phố Mosul của Iraq. Các nhân chứng cung cấp thông tin cho tờ Al- Akhbar như sau: “Trong khi chờ đợi những cuộc không kích mới, những kẻ khủng bố đã phải rời các trụ sở chỉ huy và chuyển vào những khu dân cư. Trên đường phố ít hẳn xe tuần tra và các trạm kiểm soát. Tại các cửa ngõ vào thành phố, phiến quân trốn trong hầm trú ẩn”. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cũng đã xác nhận thông tin trên.

Theo hãng tin Sputnik, trước khi bị Nga không kích, IS đã gặp khó khăn về vấn đề kinh tế. Giờ đây, việc bị Nga tấn công càng làm nhóm khủng bố gặp khó về tài chính. Hãng tin của Nga dẫn một số nguồn tin giấu tên cho hay, hàng trăm tay súng của IS đã đào thoát, bỏ trốn do lương thấp. Các cuộc không kích của Nga cùng với sự hỗ trợ bộ binh của Chính phủ Syria đang khiến khu vực kiểm soát của IS tại Syria nhanh chóng bị thu hẹp và khả năng có thể làm tan rã IS tại Syria là có thể.

Chính sách của Mỹ thất bại

Tháng 8-2014, Mỹ khởi động chiến dịch không kích IS. Số quốc gia tham gia liên quân chống IS do Mỹ cầm đầu hiện đã lên tới gần 60 nước. Báo chí Mỹ đưa tin đến tháng 4-2015, chiến dịch quân sự chống lại IS đã tiêu tốn của Mỹ 2,74 tỷ USD, trong đó 55% chi phí được dùng cho không kích.

Tuy nhiên, kết quả các cuộc không kích của Mỹ và liên quân vào các căn cứ của IS tại Syria và Iraq không tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra, không ngăn được sự bành trướng của IS. Tình báo Mỹ thừa nhận, từ năm 2011 đến nay, đã có gần 30.000 tay súng nước ngoài tới Syria và Iraq, nhiều gấp đôi so với con số đưa ra cách đây 1 năm.

Chưa hết, kế hoạch huấn luyện các chiến binh mà Washington gọi là phe ôn hòa để chống lại IS cũng gần như thất bại và thậm chí phản tác dụng. Tháng 1 năm nay, Washington đã tiết lộ một chương trình huấn luyện phiến quân Syria trị giá 500 triệu USD, chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ được tuyển chọn rất kỹ và tất cả đều phải cam kết sẽ chiến đấu chống IS. Tuy nhiên, nhóm phiến quân đầu tiên được huấn luyện khi về đến Syria đã bị lực lượng Mặt trận al-Nursa, tổ chức có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, tấn công tiêu diệt. Về sau, các chiến binh do Mỹ huấn luyện phải giao nộp hơn 1/4 vũ khí, đạn dược cho Mặt trận al-Nursa, giống như nộp thuế mãi lộ để lực lượng phiến quân ôn hòa có thể xâm nhập lãnh thổ Syria. Chính Lầu Năm Góc đã xác nhận việc này.

Giáo sư Stephen Biddle, Đại học George Washington, nhận định việc huấn luyện phiến quân Syria ở nước ngoài là thành ít bại nhiều. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận chương trình huấn luyện phiến quân Syria tạm ngưng một phần do không có tân binh nào đến được Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Do đó, các sĩ quan huấn luyện của Mỹ trông chờ vào thành công của lực lượng người Kurd ở miền Đông Syria. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis vẫn tin rằng Mỹ cần có một lực lượng người Syria trên bộ để họ có thể phối hợp tác chiến. Các chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ phải biết rút ra những bài học ở Afghanistan và Iraq. Dù Washington đã bỏ ra hàng tỷ USD để huấn luyện binh lính Afghanistan, quân đội nước này vẫn không đủ sức đương đầu với lực lượng Taliban. Tại Iraq, việc trợ giúp xây dựng lại quân đội quốc gia đã thành công một phần. Nhưng quân đội Iraq cũng đã không chống trả được các đợt tấn công của lực lượng IS, để nhiều phần lãnh thổ rơi vào tay tổ chức khủng bố này.

Biên tập viên Tim Lister của kênh truyền hình CNN cho rằng, khi đơn phương thực hiện chiến dịch không kích mà không hề phối hợp với liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu, Nga đã nâng tầm ảnh hưởng của mình lên đáng kể trong khu vực và làm lu mờ vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống IS vốn đang rơi vào bế tắc. Trong khi đó, David Blair của Telegraph nhận xét, sự xuất hiện của Nga ở Syria khiến Mỹ và liên quân mất đi thế độc tôn trên không phận Syria. Phải chăng vì lý do này mà Mỹ và một số đồng minh mấy ngày qua đã cáo buộc Nga không kích vào Syria là để tiêu diệt phe đối lập và bảo vệ chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad. Ngược lại, cũng có nhiều nước lên tiếng ủng hộ quyết định không kích chống IS của Nga tại Syria.

Alexei Pushkov, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại trong Hạ viện Nga, nói với một đài phát thanh Pháp vào cuối tuần trước rằng: Cuộc không kích của Nga dự kiến chỉ kéo dài vài tháng. Vladimir Yevseyev, một chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Đông tại Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế ở Mátxcơva cho biết Nga muốn tiêu diệt một số tên cực đoan rồi chuyển sang các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục