Sau 4 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (NVNƯTDHVN) do Bộ Chính trị phát động đã nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Tại TPHCM, một trong những điểm sáng thành công là Chương trình bình ổn thị trường.
Năng động, sáng tạo trong cách làm
Chương trình Bình ổn thị trường tại TPHCM trong giai đoạn đầu (2002 - 2009) chỉ dừng ở mục tiêu cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định và dẫn dắt giá cả thị trường. Trong những năm này, chương trình chỉ triển khai trong thời gian 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tập trung chủ yếu vào các nhóm mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu. Năm 2010, sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động NVNƯTDHVN, trước tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng và trong nước có nhiều khó khăn, để ổn định thị trường, hỗ trợ phát triển sản xuất, lãnh đạo TP đã mạnh dạn chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện công tác bình ổn thị trường, mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện chương trình xuyên suốt trong năm.
Bên cạnh các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, TP đã triển khai thêm Chương trình bình ổn mùa khai trường với 3 nhóm mặt hàng gồm cặp, ba lô, túi xách; tập vở và đồng phục học sinh. Năm 2011, phát huy thành công của 2 chương trình nêu trên, TP dấn thêm một bước, cùng lúc triển khai thêm 2 chương trình mới là Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa và Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng tân dược.
Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí
Gần 4 năm thực hiện từ 23 DN năm 2010, đến nay đã có 64 DN tham gia chương trình, sản xuất và cung ứng đầy đủ các nhóm hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân TP, với số lượng chiếm từ 25% đến hơn 60% thị phần. Trong đó, hầu hết sản phẩm của các DN trở thành thương hiệu mạnh trong nước, đáp ứng đầy đủ tiêu chí cuộc vận động: “Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” như thịt gia súc, thực phẩm chế biến của Vissan, thịt, trứng gia cầm của Phạm Tôn, San Hà, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Adeco, sản phẩm gạo đồ của Công ty Vinh phát, thực phẩm chế biến của Cầu Tre, Thaimex, trang phục Sanding, Vinatex…
Các sản phẩm cặp, ba lô, túi xách của Trương Vui, Hami, Miti đã làm chủ thị trường, cạnh tranh sòng phẳng các sản phẩm ngoại nhập từ Thái Lan, Trung Quốc. Rau củ quả an toàn, đạt chuẩn VietGAP của các HTX Phước An, Thỏ Việt, Phú Lộc đã phủ kín hệ thống phân phối các siêu thị trên địa bàn TP; Nước mắm Trường Sa của Biển Bình Minh - 584 Nha Trang chính là thương hiệu, là quyết tâm, ý chí của DNVN thể hiện “lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc”.
Công tác phát triển mạng lưới phân phối, số điểm bán tăng mạnh từ 2.499 điểm bán, đến nay chương trình đã có 7.412 điểm bán, trong đó có 106 siêu thị, 405 cửa hàng tiện lợi, 815 điểm bán trong chợ truyền thống, 805 điểm bán tại các khu dân cư tập trung ở các quận ven, huyện ngoại thành, 14 điểm bán trong các KCX-KCN. Mặt khác, các tổ chức chính trị, xã hội của TP cùng với các DN phối hợp tổ chức các phiên chợ công nhân, sinh viên, bán hàng lưu động, bán hàng đăng ký trước, “đi chợ thay người nghèo”, đưa hàng bình ổn vào bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, bệnh viện, trường học... góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ VN đến gần với người tiêu dùng.
Từ kết quả đạt được, đối chiếu với các mục tiêu cơ bản của cuộc vận động NVNƯTDHVN, cũng như trong chỉ đạo của Bộ Công thương về xây dựng Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động, cho thấy sự nhạy bén và tiên phong của TPHCM trong việc nghiên cứu, tìm kiếm cách làm, nắm bắt, khai thác mọi cơ hội để thực hiện nghiêm túc và triển khai có hiệu quả nhất các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Phó Ban chỉ đạo cuộc vận động NVNƯTDHVN TPHCM chỉ đạo Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với các DN, xây dựng kế hoạch đầy đủ, chi tiết, hình thành chiến lược tạo nguồn hàng; Tổ chức triển khai, hỗ trợ DN thực hiện, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất theo chiều sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất, cung ứng cho thị trường ngày càng nhiều các sản phẩm đa dạng, phong phú, có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Phát triển nhanh, rộng hệ thống phân phối hiện đại… |
NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG