Hiệu sách độc lập: Hút khách bằng sự khác biệt

Các hiệu sách độc lập dù với quy mô khiêm tốn lại đang trở thành điểm đến của nhiều độc giả yêu thích sách giấy. Điểm chung của những hiệu sách kiểu này là có sự chăm chút về hình thức, không gian cũng như cách tiếp cận độc giả.
Không gian đọc sách dành riêng bạn đọc nhỏ tuổi, nét độc đáo riêng của hiệu sách độc lập. Ảnh: XUÂN THÂN
Không gian đọc sách dành riêng bạn đọc nhỏ tuổi, nét độc đáo riêng của hiệu sách độc lập. Ảnh: XUÂN THÂN

Mỗi nơi mỗi vẻ

Hiện tại, hiệu sách Kính vạn hoa (được đặt theo tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) đã không còn bán sách đại trà như trước mà chuyển thành nơi trưng bày và chỉ chuyên bán sách của Nguyễn Nhật Ánh. Dù vậy, đây vẫn là một hiệu sách độc lập, là nơi lui tới của các độc giả nhiều năm qua. Tại TPHCM, những hiệu sách như vậy vẫn được duy trì, dù với số lượng không nhiều, nhưng lại được chăm chút và tạo ấn tượng với độc giả bằng phong cách riêng. Có thể kể đến một số hiệu sách như Kafka, Momo, Tri Văn, Neta… 

Chẳng hạn, trong khi hiệu sách Momo tập trung vào dòng sách cũ thì Neta lại thiết kế một không gian hiệu sách thân thiện với những kệ gỗ mộc mạc còn Tri Văn thì tập trung vào dòng sách học thuật, khoa học xã hội nhân văn để độc giả nghĩ đến đầu tiên khi có nhu cầu. Theo anh Nguyễn Văn Hiệp, nếu đã làm hiệu sách độc lập thì phải xác định dòng sách riêng của mình, từ đó đẩy mạnh công tác quảng bá. “Tất nhiên, khi lựa chọn dòng sách như vậy, mình chỉ bán được cho một đối tượng nhất định. Trong dòng sách nghiên cứu có nhiều thể loại khác nhau như tâm lý, nhân học, triết học… thì mạng lưới của mình cũng không phải là nhỏ. Mình cứ hướng đến một nhóm nhỏ thì sẽ có một cộng đồng lớn”, anh Hiệp nói thêm. 

Độc giả tìm mua sách tại hiệu sách Tri Văn 
Với Kafka, các đầu sách ở đây được chọn lọc theo một gu riêng, giúp những độc giả có cùng gu không phải tốn công sức và thời gian lựa chọn như lúc “lạc” vào các nhà sách lớn. Độc giả mua sách tại nhà sách sẽ được tư vấn tận tình, riêng những độc giả mua sách qua kênh online, đích thân nhân viên sẽ gói hàng cẩn thận, nắn nót ghi từng chữ kèm theo thiệp cảm ơn. Ngoài ra, hiệu sách này sẽ có những chương trình tiếp cận sách đến từng nhà hay từng văn phòng. “Mùa hè, mỗi tuần đều có một chương trình đọc sách miễn phí cho thiếu nhi. Vào các dịp Trung thu, Noel, 1-6, chúng tôi tiếp cận nhiều công ty, văn phòng để họ chọn sách làm quà cho các em”, chị Thanh Thuận cho biết.


Cạnh tranh và thời cơ

Mô hình của các hiệu sách độc lập tương tự các nhà sách truyền thống, như: Cá Chép, Nhã Nam, Phương Nam, Khai Tâm, Thăng Long…, có điều so về quy mô cũng như hệ thống phát hành thì không bằng. Lẽ dĩ nhiên, họ còn phải chịu sự cạnh tranh từ chính các nhà sách truyền thống, và đặc biệt là các kênh thương mại điện tử. Chưa kể, xu hướng đọc của độc giả bây giờ cũng đa dạng hơn, sách giấy không còn là độc quyền mà có thêm sách điện tử, sách nói. 

Theo chị Thanh Thuận, chủ hiệu sách Kafka, đây là sự cạnh tranh khốc liệt. Những hiệu sách độc lập có mức giảm không quá 20%; trong khi đó, một số kênh thương mại điện tử lại có mức giảm sâu, thường tổ chức những chương trình giảm giá mạnh để thu hút khách hàng. “Thời điểm này, khi Tiki giảm từ 15% - 20% thì chúng tôi bán khá ổn, nhưng có lúc Tiki giảm lên 40%, hay có chương trình khuyến mãi gì đó thì chúng tôi phải tìm cách, chứ không doanh số giảm nhiều lắm”, chị Thuận cho biết. 

Anh Nguyễn Văn Hiệp, chủ hiệu sách Tri Văn cũng thừa nhận sự cạnh tranh này. Và cách để Tri Văn “tránh bão” giảm giá là tìm những đầu sách mà các kênh thương mại điện tử không có, hoặc tung ra các đầu sách cũ quý hiếm. Đây chính là cách giúp anh Hiệp duy trì tốt doanh số cho Tri Văn trong hơn một năm qua. Doanh thu năm 2019 của Tri Văn đã tốt hơn năm trước và đang có xu hướng tăng. “Trước đây, Tri Văn chỉ là một kho sách nhỏ, từ tháng 9-2018, chúng tôi quyết định chuyển qua địa điểm mới với không gian lớn hơn, nhờ đó có thể nhập nhiều sách và trưng bày nhiều hơn. Khi làm lớn như vậy đòi hỏi mình phải cập nhật sách thường xuyên, tìm kiếm cơ hội bán trên gian hàng tại các kênh thương mại điện tử, anh Hiệp chia sẻ. 

Một mặt thừa nhận sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng mặt khác, chị Thanh Thuận cũng đặt niềm tin vào sức sống của các hiệu sách độc lập. Bởi chị cho rằng, mua sắm online đang là xu hướng hiện nay nhưng vì sách là một sản phẩm đặc thù, đa phần độc giả muốn được cầm sách trên tay, xem và ngắm nghía qua rồi mới quyết định mua; trong khi những kênh bán sách trực tuyến lại không thể làm được việc này; Từ đó, chị Thanh Thuận tin tưởng: “Thị trường sách lớn và người mua sách tại hiệu sách độc lập chỉ nhỏ thôi, nhưng nếu có cách và tìm đúng đến họ thì vẫn sống được”.

Tin cùng chuyên mục