Hiểu sai do... tò mò

Không ít lần bức xúc vì bạn bè thường đọc thông tin ở những trang linh tinh trên mạng, Nguyễn Ngọc Hoàng Phúc (25 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) kể: “Mình có báo chí chính thống đàng hoàng thì không đọc, khư khư tin mấy trang không nguồn gốc trên mạng. Có lần, tôi và một người bạn cãi nhau về Luật An ninh mạng, bạn tôi không ủng hộ, nhưng khi tôi hỏi có đọc kỹ nội dung chưa, bạn tôi nói không đọc. Vậy mà suy diễn đủ thứ chuyện…”.
Bạn trẻ cần cân bằng những hoạt động vui chơi, giải trí thực tế để không bị sa đà vào những trang tin ảo
Bạn trẻ cần cân bằng những hoạt động vui chơi, giải trí thực tế để không bị sa đà vào những trang tin ảo

Hóng chuyện nhưng không hiểu luật

Trước YouTuber Lê Chí Thành (vừa bị khởi tố và bắt tạm giam về tội chống đối người thi hành công vụ), có hàng tá kênh và trang cá nhân khác như: B.T., T.C.H.D, Q.D... cũng bị bắt về nhiều tội danh như: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đây đều là những kênh YouTube và trang mạng xã hội thu hút vài chục ngàn đến vài triệu lượt theo dõi, có người còn sở hữu “tick xanh” (khẳng định tài khoản chính chủ - PV).

Những kênh nói trên không thu hút người theo dõi bởi video hay hình ảnh lung linh, mà là các nội dung bài viết luôn biết cách gây sự chú ý và dẫn dắt dư luận theo hướng có lợi cho người viết, hoặc một đối tượng/tổ chức mà người viết đang muốn bảo vệ. Các bài viết này luôn xoay quanh các đề tài được đông đảo người quan tâm như: cảnh sát giao thông, điều tra sai phạm, các án trong lĩnh vực kinh tế… 

Khi cơ quan chức năng còn đang làm nhiệm vụ thì các kênh này liên tục tung ra bài viết như kiểu “tung hỏa mù” nửa thực nửa hư và chẳng cần biết đúng - sai hay có phản ánh đúng bản chất sự việc không. Ngay lập tức có vài chục ngàn tài khoản nhảy vào bình luận, thậm chí tung hô người viết/livestream chẳng khác gì một “người hùng dám đi tìm sự thật”. Có thể thấy, những câu chuyện về đề tài chính trị luôn thu hút người dùng mạng xã hội. Khi cơ quan chức năng chưa thông tin thì một vài dòng chia sẻ không căn cứ trở thành “miếng mồi” ngon để dẫn dắt dư luận tò mò.

Không ít bạn trẻ vì tò mò, hóng hớt gián tiếp tiếp tay cho các kênh vlog/trang cá nhân/fanpage… chia sẻ nội dung chống phá Nhà nước. Một lượt like (thích)/chia sẻ/bình luận… vì tò mò đều góp phần tăng tốc độ lan truyền nội dung chống phá của các kênh này nhanh hơn trên mạng xã hội. Song song đó, việc kiếm tiền từ mạng xã hội trở nên dễ dàng, thậm chí là thu nhập “khủng”, bởi càng nhiều like thì tiền về càng nhiều.

Trần Anh (29 tuổi, quận 10, TPHCM) chia sẻ về nhóm bạn của mình: “Nhiều lúc, tôi không hiểu nổi họ lấy đâu ra thời gian để suốt ngày tham gia hết group này đến group khác trên mạng xã hội. Hai người bạn tôi cũng có trình độ, họ tham gia và là thành viên của nhóm Góc nhìn… trên Facebook, có thông tin gì tiêu cực là lại dẫn, chia sẻ trên trang này, ở dưới là một đám đông ùa vào chửi chế độ. Cần phải chế tài thật mạnh những trang kiểu vậy để làm trong sạch môi trường mạng”.

“Truyền thông tốt” chưa thực sự áp đảo

Sự phổ biến và ảnh hưởng của mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại ngày càng rõ rệt. Để có thể đẩy lùi những thông tin xấu, chống phá… cần phải lan tỏa tin chính thống kịp thời và tin tốt đẹp ngày càng nhiều. Vấn đề này đã được nhiều nơi chú ý, tuy nhiên hiệu quả vẫn còn bỏ lửng.

“Công ty tôi cũng có một fanpage riêng để nhân viên nắm tin tức, nhưng không mấy khi nhân viên vào coi hay chia sẻ, vì tin nào cũng cũ và chán lắm. Có quy định dùng mạng xã hội cho toàn thể nhân viên trong công ty, nhưng người ta vẫn thích tò mò đọc mấy trang không chính thống hơn, vì có nhiều tin và cũng không cần biết đúng hay sai, nhưng phải công nhận những trang đó họ rất biết cách viết để thu hút và dẫn dắt người khác tin”, Mai Thị Phương Thảo (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ.

Fanpage thuộc các tổ chức đoàn thể hiện nay xây dựng để lan tỏa thông tin tốt đẹp, lành mạnh ngày càng nhiều, tuy nhiên hiệu quả thì chưa đáng kể để có thể áp đảo được những tin xấu. Ngay từ cái tên fanpage còn quá khô cứng để thu hút người dùng nhấn theo dõi, nội dung bài viết thường chỉ chia sẻ lại từ những trang báo, đôi khi quá cũ và chậm. Trong thế giới của mạng xã hội, để định hướng người trẻ trước những thông tin đa chiều, cần bắt được xu hướng của giới trẻ hiện nay để xây dựng những kênh vlog, fanpage thực sự thu hút. Người trẻ sẽ không tìm đến những kênh truyền thống nếu thông tin trên đó cũ, hình thức kém duyên hay thiếu tương tác.

Trăn trở chuyện xây dựng fanpage, Hoàng Ân (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM, thành viên một nhóm chuyên chia sẻ các câu chuyện lịch sử trên mạng xã hội với hơn 5.000 lượt theo dõi) cho biết: “Để có được 5.000 lượt theo dõi, 10 thành viên của nhóm phải nỗ lực hơn 1 năm trời. Lịch sử không phải là chủ đề hay xu hướng để thu hút bạn trẻ, nên cả nhóm thường thiết kế tranh và cử hai bạn trong nhóm phải học cách viết bài với giọng văn trẻ trung, gần gũi để có thể tiếp cận người dùng trẻ. Tôi nghĩ hơn ai hết, người trẻ cần hiểu đúng và đầy đủ về lịch sử thì mới có thể yêu và tự hào về truyền thống dân tộc”.

Tuổi trẻ hiếu kỳ hay tò mò cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, bạn trẻ trước khi tò mò cũng cần am tường và hiểu rõ luật pháp, bởi một lượt like/chia sẻ vì tò mò, nhưng cũng có thể dẫn đến những hậu quả mà chúng ta đã thấy thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục