Hiểu thêm về biển

“Cần làm rõ chúng ta đã hiểu biết những gì về biển?” - đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển diễn ra cuối tuần qua.

Yêu cầu này, trước hết được đặt ra cho các cơ quan thực hiện các dự án điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển trong suốt 9 năm qua. Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, hiện khá nhiều dự án về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển còn chậm tiến độ; việc trao đổi, phối hợp và chia sẻ thông tin của các bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhắc nhở, sau 9 năm thực hiện công tác điều tra cơ bản mà vẫn chưa làm rõ được về tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng  - thủy văn biển, nguồn lợi thủy sản...

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trước cuối năm 2015, ngành tài nguyên - môi trường phải nghiệm thu được 6 dự án đang hoàn thiện và có báo cáo tên dự án đầy đủ để nêu rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì; thúc đẩy triển khai 7 dự án đang làm và 2 dự án đã duyệt; tiếp tục phê duyệt 12 dự án; thành lập hội đồng thẩm định 8 dự án bổ sung... “Hiện chúng ta đã xác định 35 loại khoáng sản đáy biển, song chỉ có 1 - 2 loại đang khai thác, vì vậy cần phải tập trung điều tra xem có những loại nào có thể khai thác thương mại; đề xuất bổ sung các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thời gian tới” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.

Quả thực, kho dữ liệu thông tin về biển của Việt Nam còn khá nghèo nàn, rất ít thông tin cụ thể, hữu ích cho việc xây dựng và triển khai các dự án kinh tế. Trong khi đó, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Nguyễn Chu Hồi, một chuyên gia hàng đầu về biển của Việt Nam, cho biết, biển Đông là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển có giá trị cao trên thế giới, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, đồng thời là một trong 16 ngư trường lớn của thế giới và là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Trữ lượng khoáng sản, trong đó có băng cháy (một dạng năng lượng mới được rất nhiều quốc gia quan tâm vì trữ lượng khổng lồ và khả năng tác động tới biến đổi khí hậu toàn cầu) của Việt Nam được đánh giá là khá lớn. Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất nhì thế giới, với đường bờ biển khúc khuỷu, kéo dài, nhiều cửa sông và đầm phá, đặc biệt có khoảng 54 vịnh ven bờ, có tiềm năng phát triển cảng và dịch vụ cảng của nước ta. Ngoài ra, nước ta còn có tới gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ tập trung ở vùng biển ven bờ và các quần đảo ngoài khơi thuộc quyền tài phán quốc gia... Trong khi đó, các hoạt động kinh tế biển khơi tại Việt Nam dường như vẫn đang mạnh ai nấy làm mà chưa có một đầu mối phối hợp hiệu quả.

Mặc dù được giao “quản lý tổng hợp” biển và hải đảo, song vai trò Tổng cục Biển và hải đảo vẫn chủ yếu khoanh ở phạm vi đề ra chính sách về môi trường biển đảo. Một khi còn chưa biết rõ chúng ta có những gì và nên làm gì thì tiềm năng to lớn về kinh tế biển của Việt Nam vẫn chỉ như những vỉa khoáng sản giàu có ngủ yên trong lòng biển.

ANH THƯ 

Tin cùng chuyên mục