Hiệu ứng ngược

Chỉ một ngày sau vụ ám sát Đại sứ Nga Andrei Karlov, hội nghị Ngoại trưởng ba bên giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran vẫn diễn ra theo dự kiến với tuyên bố cùng sát cánh với kế hoạch mang lại hòa bình cho Syria, thống nhất các biện pháp nhằm bảo đảm lệnh ngừng bắn tại lãnh thổ Syria và xác định các phương hướng hành động tiếp theo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

Chỉ một ngày sau vụ ám sát Đại sứ Nga Andrei Karlov, hội nghị Ngoại trưởng ba bên giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran vẫn diễn ra theo dự kiến với tuyên bố cùng sát cánh với kế hoạch mang lại hòa bình cho Syria, thống nhất các biện pháp nhằm bảo đảm lệnh ngừng bắn tại lãnh thổ Syria và xác định các phương hướng hành động tiếp theo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, quá trình sơ tán dân thường tại thành phố Aleppo sẽ được hoàn tất trong thời gian ngắn nhất. Ông Lavrov nhấn mạnh, cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều nhất trí rằng ưu tiên hiện nay ở Syria là chống khủng bố. Ba nước sẵn sàng thúc đẩy kế hoạch đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập Syria và đứng ra bảo đảm cho thỏa thuận đó. Kết quả của hội nghị ba bên đã xua tan những nghi ngại về sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ ám sát Đại sứ Nga Andrei Karlov. Không chỉ có vậy, vụ ám sát đã khiến quyết tâm hợp sức trong cuộc chiến chống khủng bố giữa Nga - Iran và Thổ Nhĩ Kỳ được hiện thực hóa với những lộ trình cụ thể. Ba nước đã tạm gác lại bất đồng về vấn đề đi hay ở lại của Tổng thống Syria Assad cũng như ủng hộ phe nào trong cuộc chiến Syria mà chỉ tập trung vào việc hợp tác trong vấn đề Syria.

Đến với cuộc gặp lần này, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đặt mục tiêu ngoài việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng Syria còn có thể giúp củng cố chặt chẽ hơn mối quan hệ với Nga, vốn chỉ mới vừa được hàn gắn từ khoảng nửa năm nay. Tuy nhiên, cuộc gặp lại có kết quả vượt ngoài sự mong đợi khi có thêm sự đồng lòng của Iran. Những diễn biến trên cho thấy, vụ ám sát dường như đã mang lại hiệu ứng ngược. Bởi lẽ, nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang mang lại lợi ích đáng kể cho hai nước cũng như tác động tích cực làm thay đổi cục diện tại Syria theo hướng ổn định tình hình khu vực. Việc Đại sứ Andrei Karlov bị sát hại khiến đa số dư luận nghi ngờ rằng đây là âm mưu của những thế lực không muốn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau cũng như không muốn hai nước phối hợp trong các vấn đề khu vực.

Nói một cách khác, thủ phạm của vụ việc đang muốn quan hệ hai nước nổi sóng trở lại. Trái lại, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức khẳng định mối quan hệ giữa Mátxcơva và Ankara chắc chắn không bị ảnh hưởng. Giới phân tích cho rằng, sau vụ ám sát, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể còn tìm được động cơ cũng như tiếng nói chung để xích lại gần nhau hơn khi cùng đối phó với một mục tiêu chung là chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Ông Michael Koplow, nhà phân tích về Trung Đông, cho rằng, không bên nào có động cơ để khiến sự việc thêm căng thẳng. Cả hai đều không muốn làm thụt lùi những tiến bộ kinh tế và ngoại giao cũng như phá vỡ thỏa thuận đã đạt được nhằm giải quyết cuộc chiến tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ còn coi đây là cơ hội thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Nga. Giờ đây, khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tích cực ở sâu bên trong Syria, Ankara cần duy trì mối quan hệ hợp tác với Mátxcơva hơn bao giờ hết.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục