Hình ảnh Bác luôn tỏa sáng trong tim

Người là niềm tin và sức mạnh
Hình ảnh Bác luôn tỏa sáng trong tim

Hình ảnh Bác Hồ đã trở thành sức mạnh tinh thần để chiến đấu, học tập và xây dựng đất nước; hình ảnh Bác luôn tỏa sáng trong tim. Đó cũng là tâm tình của nhiều bạn trẻ tại cuộc thi thuyết minh, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM tổ chức.

Những thí sinh nhận thưởng tại cuộc thi thuyết minh, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những thí sinh nhận thưởng tại cuộc thi thuyết minh, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người là niềm tin và sức mạnh

“Anh đến quê em đất biển Cà Mau, có thấy xanh tươi đước rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người, về thăm quê em Đất Mũi xa xôi”. Đó chính là Cà Mau, quê hương của chúng tôi. Trong những năm đất nước còn chiến tranh ác liệt hay trong thời bình thì người dân Cà Mau cũng như người dân miền Nam luôn khắc khoải một nỗi niềm: được một lần ra Hà Nội thăm Bác và một lần được đón Bác vào thăm” - chị La Mộng Linh, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Cà Mau, giới thiệu đầy tự hào.

Cà Mau cũng là một trong những địa phương có hệ thống đền thờ Bác Hồ nhiều nhất ở miền Nam. Sau ngày Bác mất, có hơn 20 đền thờ Bác được lập nên. Trong những năm tháng kháng chiến, đền thờ Bác là tình đoàn kết dân tộc, là tinh thần yêu nước, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào chiến đấu.

Không chỉ ở Cà Mau, nhiều tỉnh Nam bộ cũng lập đền thờ Bác Hồ ngay sau ngày Bác mất, trong đó có đền thờ ở văn phòng Đảng ủy xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Chị Lê Ngọc Duyên, Bảo tàng tỉnh Hậu Giang, kể lại: “Đông đảo quân dân đã cùng đến đây tưởng niệm, nguyện tạc dạ ghi lòng công ơn trời biển của Bác và hứa với Bác quyết tâm chiến đấu giành chiến thắng”.

Nguyện noi gương Bác

“Một lãnh tụ vĩ đại, một nhân cách lớn nhưng cũng rất đỗi bình dị, mộc mạc và chân thành. Bác quên mình chăm lo cho tất thảy, từ giáo dục, quốc phòng, đại đoàn kết dân tộc đến sự nghiệp trồng người: đào tạo cán bộ, chăm lo cho thanh niên, cả các em thiếu nhi. Qua những bài giảng mỗi ngày, chúng tôi sẽ truyền đạt đến các em học sinh của mình, chúng tôi nguyện sẽ phấn đấu không ngừng xây dựng đất nước, xây dựng TP giàu đẹp” - chị Hoàng Thị Hoa, giáo viên trường THCS Lạc Hồng, quận 10, chia sẻ.

Còn với chị Nguyễn Thị Xoan, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum, “lời dạy về đại đoàn kết dân tộc trong bức thư gởi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam VN họp tại Pleiku năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị là bài học quý báu của dân tộc. Tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc của Người mãi soi đường chỉ lối để nhân dân cả nước và nhân dân Gia Lai thực hiện trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

“Chúng tôi không thỏa mãn với những gì mình đã làm được mà càng phải phấn đấu để trở thành một bảo tàng hiện đại, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - chị Nguyễn Thị Kim Phú, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, bày tỏ.

Không chỉ tổ chức xây dựng trên 30 chuyên đề trưng bày tại chỗ và phục vụ trưng bày lưu động, lâu nay Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt xã hội, là nơi học tập, giáo dục truyền thống sinh động và hiệu quả.

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, nhìn nhận, cuộc thi là cơ hội nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên, giáo viên cũng là cách giáo dục truyền thống hiệu quả với các bạn trẻ.

Minh An

Tin cùng chuyên mục