Hình ảnh Việt Nam trên phim nước ngoài: Cửa đã rộng mở

Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các phim quốc tế, ít nhiều mang đến hiệu ứng tích cực. Nhưng từng đó liệu đã đủ làm hài lòng?
Nhiều phong tục tập quán Việt được tái hiện trong A Tourist’s Guide to Love. Ảnh: Netflix
Nhiều phong tục tập quán Việt được tái hiện trong A Tourist’s Guide to Love. Ảnh: Netflix

Không chỉ là bối cảnh

A Tourist’s Guide to Love (Hành trình tình yêu của một du khách) đang là bộ phim nhận được nhiều sự chú ý của khán giả Việt. Đây là dự án đầu tiên do Netflix sản xuất với bối cảnh gần như toàn bộ tại Việt Nam. Tác phẩm “mở đường” này đã làm hài lòng người xem về mặt thị giác khi đưa đến những khung hình nịnh mắt với các bối cảnh Việt Nam trải dài khắp 3 miền: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Hà Giang. Thành tích đứng đầu danh sách “phim hôm nay” ở thị trường Việt Nam, vị trí số 2 tại Mỹ và nằm trong tốp 10 ở nhiều nước Đông Nam Á cho thấy phim nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Dù còn nhiều hạn chế về câu chuyện, kịch bản, diễn xuất nhưng mang tinh thần một bộ phim quảng bá du lịch, bối cảnh chính là cứu cánh của phim. Xem phim, khán giả nhận ra bối cảnh không chỉ làm nền mà nó trở thành một nhân vật quan trọng. Do đó, sự lựa chọn về địa điểm, các hình ảnh mang tính biểu tượng (áo dài, con trâu, ruộng bậc thang, đường phố), phong tục (nấu bánh chưng, thờ cúng tổ tiên), môn nghệ thuật (múa lân, múa rối nước)… đều được cân nhắc, điều tiết khá tỉ mỉ để làm bật lên cảnh sắc Việt Nam. Đây có lẽ chính là chìa khóa để bộ phim gây tò mò và được đón nhận. Biên kịch Eirene Trần Donohue thừa nhận: “Việt Nam là quốc gia đẹp. Tôi mong muốn chia sẻ với khán giả để họ biết đến và có cái nhìn khác khi nghĩ đến Việt Nam. Từ những ngôi chùa cổ kính cho đến những tòa nhà hiện đại, tôi tin Việt Nam có nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa cần được khám phá”.

Trước A Tourist’s Guide to Love, một số địa danh như cầu Rồng (Đà Nẵng), nhà thờ Đức Bà (TPHCM) hay vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã xuất hiện trong Taxi Driver 2 ít nhiều gây chú ý. Một số phim nước ngoài đình đám từng quay tại Việt Nam như: Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình, Người Mỹ trầm lặng hay gần nhất là bom tấn Kong: Skull Island (khoảng 70% bối cảnh quay tại Việt Nam) khá đáng tiếc cũng chưa khai thác được triệt để yếu tố bối cảnh như là một nhân vật trong phim.

Cửa đã mở

Trước khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1-1-2023, rào cản lớn nhất trong việc hợp tác làm phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim ở Việt Nam là quy định yêu cầu thẩm định kịch bản. Thậm chí, quy định tại luật cũ còn đòi hỏi thẩm định, chỉnh sửa toàn bộ kịch bản, trong đó có cả phần không thực hiện tại Việt Nam. Hệ quả là nhiều bộ phim ban đầu có dự định chọn Việt Nam làm bối cảnh đã rút lui, chọn các thị trường khác ở Đông Nam Á. Điều này khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong việc hợp tác làm phim điện ảnh với nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Luật Điện ảnh (sửa đổi), khoản b, Điều 13 ghi rõ, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, luật mới còn thêm nhiều ưu đãi như “Tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế” (Điều 41).

Thực tế, ai cũng hiểu việc hợp tác làm phim với các đoàn phim nước ngoài thực hiện ghi hình tại Việt Nam mang đến nhiều lợi ích. Trước mắt, nó tạo công ăn việc làm cho đội ngũ nhân sự Việt, từ những vị trí rất nhỏ như lái xe, phục vụ hậu cần… Với các nhân sự mang tính chủ chốt hơn của đoàn phim như diễn viên, quay phim, bộ phận kỹ thuật… đây còn là cơ hội để được học hỏi sự chuyên nghiệp của các nền điện ảnh lớn. Và quan trọng không kém, bản thân các nhà làm phim Việt Nam luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón, học hỏi từ những cơ hội như thế.

Hiển nhiên, khi các bộ phim có bối cảnh quay tại Việt Nam được chú ý sẽ có tác động tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Từ những lợi ích trước mắt đó, nó cũng mở ra thêm các cơ hội phát triển về du lịch, tạo nên những giá trị kinh tế. Đối với phim ảnh, khi hành lang pháp lý và cơ chế chính sách rộng mở sẽ đồng thời thu hút nhiều đoàn phim nước ngoài. Vấn đề còn lại, với một Việt Nam vốn đã được định danh trên bản đồ du lịch thế giới, làm thế nào để giá trị vẻ đẹp Việt ngày càng được nâng tầm, đầy tính nguyên bản nhưng vẫn tươi mới qua lăng kính từng nhà làm phim.

Tin cùng chuyên mục