Sáng nay, Bộ trưởng Bộ KH-CN giao lưu trực tuyến:

Hình thành lực lượng doanh nghiệp đi đầu trong sáng tạo KH-CN

(SGGP 12G).- Sáng nay, 8-9, Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong đã có cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “KH-CN Việt Nam góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý nguồn nhân lực (Bộ KH-ĐT) và Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên, trong đó có khoảng 34.000 thạc sĩ, tiến sĩ. Số lượng người làm trong các tổ chức KH-CN gần 53.000 người và cả nước có tới 1.295 tổ chức KH-CN hoạt động trên 60 lĩnh vực với trên 125 ngành nghề, gần 800 chuyên ngành khác nhau và mỗi năm Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách (tương đương 0,4% - 0,45% GDP) cho hoạt động KH-CN...

Tuy nhiên theo đánh giá chung, để KH-CN Việt Nam thực sự phát triển, cần có sự đầu tư lớn hơn, thỏa đáng hơn. Song song đó cần tạo những cơ chế để đào tạo, thu hút và phát huy tốt hơn nữa nguồn nhân lực trí thức trẻ. Đặc biệt, hiện nay chưa có chính sách cụ thể và hiệu quả trong sử dụng và trọng dụng đội ngũ tri thức KH-CN.

Chủ nghĩa bình quân và tư duy hành chính kéo dài nhiều năm đã là một trong những nguyên nhân làm giảm sút sức sáng tạo và nhiệt huyết của những nhà khoa học. Đó là nguyên nhân khiến KH-CN Việt Nam chậm phát triển.

Tại cuộc giao lưu, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong thừa nhận, hiện nay một số tổ chức KH-CN vẫn còn lúng túng, chưa thực sự quyết liệt trong việc chuyển đổi theo tinh thần của Nghị định 115 sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; ngoài ra sự phối hợp giữa các bộ ngành trung ương và những tổ chức KH-CN ở địa phương còn yếu cho nên thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ tập trung và thực hiện quyết liệt vào việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH-CN theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa cho các tổ chức KH-CN; đồng thời chủ động phát triển thị trường công nghệ và hoàn thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực này.

Mục tiêu quan trọng của KH-CN Việt Nam thời gian tới là tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp KH-CN để sớm hình thành lực lượng doanh nghiệp đi đầu trong sáng tạo công nghệ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Phấn đấu đến năm 2010 có 1.000 doanh nghiệp KH-CN, năm 2015 là 5.000 doanh nghiệp KH-CN và đến năm 2020 là 10.000 doanh nghiệp KH-CN. Đồng thời tiến hành đánh giá, tuyển chọn 10 - 15 tổ chức KH-CN có đủ năng lực phát triển đạt trình độ khu vực hoặc quốc tế.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục