Diễn biến tiếp theo các vụ án tiêu cực bóng đá

HLV Hữu thắng đã ra Hà Nội và bị thẩm vấn

Chiều qua 4-1, Nguyễn Hữu Thắng đã ra đến Hà Nội và có cuộc làm việc với cơ quan điều tra. Tính đến thời điểm này, hành vi dàn xếp tỷ số của cựu đội trưởng ĐTQG này đã rõ ràng và việc có bắt giam hay không phụ thuộc phần lớn vào thái độ thành khẩn và hợp tác của Hữu Thắng.

HLV Hữu thắng đã ra Hà Nội và bị thẩm vấn ảnh 1

Những nghi vấn của SLNA cần phải được làm rõ.

Một nguồn tin cho hay cơ quan điều tra đã có chứng cứ về việc SLNA “mua” 3 trận đấu SLNA – Công an Hải Phòng (một thủ môn của Hải Phòng đứng ra nhận 55 triệu), SLNA – CATPHCM (65 triệu nhưng sau đó đã bị trả lại sau khi ăn nhậu khi kết thúc trận đấu) và CSG – Nam Định (170 triệu).

Trong sáng qua, nguyên Trưởng đoàn bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh đã có buổi làm việc thứ 2 với cơ quan điều tra. Theo đó, ông đã thừa nhận có việc đội SLNA đưa một bọc tiền 65 triệu cho CATPHCM (sau khi chi tiền ăn nhậu, Trưởng đoàn CATPHCM Hoàng Trọng Thanh đã trả lại cho SLNA 65 triệu).

Một nguồn tin không chính thức cho hay cũng trong sáng qua, cựu Trưởng đoàn bóng đá CATPHCM Hoàng Trọng Thanh đã có buổi làm việc tại trụ sở Tổng cục Cảnh sát phía Nam. Trước đó, trong bản tường trình với Ban Giám đốc CATPHM, ông Thanh đã trình bày rằng có việc SLNA chuyển 65 triệu để mong có một trận thắng trên sân Vinh song ông đã trả lại ngay sau khi trận đấu kết thúc vì cho rằng trận đấu đã diễn ra trung thực, sòng phẳng.

Theo một nguồn tin không chính thức, sau khi tiến hành điều tra bước đầu những biểu hiện dàn xếp tỷ số của các nhân vật liên quan của bóng đá Nghệ An, cơ quan điều tra sẽ tiến hành mở rộng sang các nhân vật nghi ngờ khác của Nam Định. Tầm ngắm được nhằm vào 3 cựu cầu thủ của thành Nam đã từng có thời gian “đánh thuê” cho Sông Lam Nghệ Tĩnh (tiền thân của SLNA sau này) và có mối quan hệ rất gắn bó với các ông Nguyễn Hồng Thanh, Nguyễn Thành Vinh và Nguyễn Hữu Thắng liên quan đến trận đấu Nam Định – CSG vào mùa bóng 2000-2001 trên SVĐ Thống Nhất mà Nam Định được đánh giá rất cao về chuyên môn song lại có trận thua bất thường 0-5 trước CSG.

Ngoài ra, có những thông tin còn cho rằng, dù lãnh đạo CLB Nam Định khi đó đã gần như không có phản ứng gì dù có những thông tin nghi ngờ trước đó vì một mặt cũng rất “máu” vô địch, song một mặt lại sợ bị “đánh hội đồng” vào những mùa bóng sau nếu cứ “cương” với SLNA cũng như “đồng minh” CATPHCM, 2 đội bóng mạnh nhất của bóng đá Việt Nam vào thời điểm đó. Tuy nhiên, những bằng chứng vào thời điểm này nghiêng về khả năng Nam Định thực hiện việc “vay trả” hơn là có cầu thủ đứng ra nhận tiền. Hiện những bằng chứng chống lại các cầu thủ của CSG lớn hơn rất nhiều và theo tiến độ của chuyên án, trong tuần tới, lần lượt những nhân vật nghi vấn của CSG cũng như Nam Định sẽ bị triệu tập hoặc mời lên C14 làm việc.

Ngoài ra, việc các thành viên cao cấp của BTC giải V-League 2000-2001 có nhận quà của SLNA hay không hoặc ít nhất phải chịu trách nhiệm liên đới đến đâu cũng bị đặt dấu hỏi. Lời thanh minh về việc có một phiên bản chiếc Cúp tại SVĐ Thống Nhất giống y chang chiếc Cúp thật đã được đem đến thành phố Vinh không mang tính thuyết phục vì ngay sau đó ít lâu, một phóng sự truyền hình do sự phối hợp của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM và một phóng viên viết được phát sóng đã chứng minh không hề có bất kỳ một phiên bản chiếc Cúp vô địch nào hiện diện ở SVĐ Thống Nhất vào ngày 28-5-2001.

Liên quan đến việc lật lại những nghi án cũ, hôm qua VFF đã có văn bản chính thức đề nghị C14 hợp tác, điều tra các trận đấu của ĐTQG và đặc biệt là U-23 từ năm 2001 đến nay. Theo đó, một loạt trận đấu “có mùi” như gặp U-23 Indonesia (SEA Games 21 năm 2001), Perak (Malaysia), Thân Hoa Thượng Hải (Trung Quốc) vào thời điểm trước SEA Games 22... sẽ được C14 mở rộng điều tra trên cơ sở các cuộc thẩm vấn các nhân vật liên quan, đặc biệt là các cầu thủ Tô Đức Cường, Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng. Văn bản này cũng nêu rõ việc VFF sẽ hỗ trợ phần lớn kinh phí cho công tác điều tra của C14.

Sáng qua, luật sư Phạm Liêm Chính và bà Hồ Thị Niềm đã có buổi làm việc với C14 về các thủ tục thăm nuôi cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Văn Quyến. Theo đó, đại diện cho Phòng 9 của C14 cho biết cần tham khảo ý của Văn Quyến vì tuyển thủ này chưa từng một lần bày tỏ nguyện vọng có luật sư bào chữa. Nguyện vọng vào thăm Văn Quyến của bà Hồ Thị Niềm cũng chưa được đáp ứng và trong chiều qua, bà Niềm đã quay trở về Hưng Nguyên, Nghệ An.

Phía C14 cũng cho hay trong hôm nay hoặc ngày mai sẽ thông báo lại cho Luật sư Phạm Liêm Chính về việc có cấp Giấy chứng nhận bào chữa hay không. Một thông tin liên quan khác: bà Niềm đã làm xong thủ tục giấy ủy quyền cho người anh kết nghĩa của Văn Quyến là Lê Song Hào trong việc thăm nuôi. Trước mắt, C14 chỉ nhận lời chuyển quần áo, một số vật dụng cá nhân khác và thêm một thùng mìø ăn liền đến Văn Quyến đang trong trại tạm giam T16. 

* Trong trường hợp không còn là nghi án “mua” chức Vô địch:
Liệu SLNA có bị giáng xuống hạng nhất?

Hiện, việc Ban lãnh đạo và cầu thủ SLNA có dàn xếp tỷ số, “mua” chiếc Cúp Vô địch lần đầu tiên trong lịch sử hay không vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, với diễn biến vụ việc như hiện nay, khả năng không còn là nghi án mà trở thành vụ án không hề thấp chút nào, nếu không nói là khá cao. Đặt trường hợp xấu nhất xảy ra, VFF sẽ xử lý như thế nào? Liệu SLNA và cả Hải Phòng nữa có bị rơi vào hoàn cảnh tương tự như những “người tiền nhiệm” Đông Á – Thép Pomina, Cần Thơ hay không? Chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này qua cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng ban Kỷ luật VFF, người sẽ có tiếng nói rất lớn trong việc tư vấn cho các lãnh đạo VFF để ra quyết định xử phạt.

Ông Hường cho hay: hiện Ban kỷ luật vẫn chưa tiến hành làm việc vì chưa có trong tay bất kỳ chứng cứ pháp lý nào. Nếu như trường hợp của Đông Á, Cần Thơ chúng tôi có được Quyết định khởi tố bị can đối với các cá nhân như ông Vũ Tiến Thành, Nguyễn Thành Vinh, Lê Văn Cường thì đối với SLNA hay Hải Phòng vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào tương tự ngoại trừ lệnh triệu tập các ông Nguyễn Hữu Thắng, Đinh Thế Nam. Trả lời câu hỏi của SGGP – Thể Thao về việc nếu “kịch bản” tương tự sẽ đến, ông Hường cho biết: khi đó Ban Kỷ luật sẽ căn cứ vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp hiện tại chứ không căn cứ vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp năm 2001.

Khi hỏi tại sao không áp dụng quy chế vào thời điểm vi phạm, ông Hường cho hay: khi đó bóng đá Việt Nam mới bước vào thời kỳ thử nghiệm sơ khai nên Điều lệ giải cũng như Quy chế bóng đá chỉ quy định các mức xử phạt chủ yếu theo tính chất hành chính, đơn vị đứng ra xử lý là Thường trực và Hội đồng thi đua – khen thưởng – kỷ luật VFF đến nay cũng không còn tồn tại do đó không thể áp dụng những quy định xưa cũ vào thời điểm phát hiện vi phạm là năm 2005, 2006. Ông Hường còn tiết lộ thêm khi xét xử Cần Thơ và Đông Á, Ban Kỷ luật cũng áp dụng các quy định hiện hành (thời điểm phát hiện vi phạm) chứ không phải các quy định tương ứng với thời điểm vi phạm.

Tất nhiên, ông Hường chưa đề cập đến việc SLNA vi phạm song đội ngũ BHL, lãnh đạo CLB khi đó hiện đã không còn tại vị, rồi việc đội bóng xứ Nghệ có đóng góp rất lớn cho bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây và một số tình tiết khác với “tiền lệ” Đông Á và Cần Thơ song với một quan điểm xử lý “rắn” như thế, xem ra nếu mọi việc tương đối rõ ràng thì cái án xuống hạng với SLNA là hoàn toàn có thể xảy ra.

A.H - LIÊN NHI
 

Tin cùng chuyên mục