HLV trưởng đội tuyển karatedo Lê Công: “Cần nhất là sự cảm thông!”

HLV trưởng đội tuyển karatedo Lê Công: “Cần nhất là sự cảm thông!”

Huấn luyện viên trưởng đội tuyển karatedo Lê Công và học trò của mình - nhà vô địch Vũ Thị Nguyệt Ánh - cho biết đã rất buồn khi đón nhận nhiều thông tin trái ngược với thực tế qua báo chí liên quan đến chấn thương của cô trong mấy ngày qua.

Vũ Thị Nguyệt Ánh (phải) vẫn giữ vững niềm tin với karatedo Việt Nam. Ảnh: Bách Nhật

Vũ Thị Nguyệt Ánh (phải) vẫn giữ vững niềm tin với karatedo Việt Nam. Ảnh: Bách Nhật

Nguyện Ánh kể rằng cô tập karatedo từ năm 17 tuổi và cái may trong sự nghiệp của mình là được tập với thầy Lê Công - người mà nhiều VĐV xem như người cha. Ánh nói: “Nhiều năm bên bác, được chỉ bảo từng li từng tí, tôi hiểu được trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thì đương nhiên thể thao không thể được quan tâm đầy đủ. Một điều nữa là vào tập luyện phải biết chấp nhận chấn thương như một phần nghề nghiệp. “Tiền không nhiều, nhưng cái được là niềm đam mê, là thành công, là vinh dự” đó là lời bác Công đã phân tích và cho đến giờ phút này, tôi rất vui vì những gì mình đã đạt được. Tôi được nhiều ưu đãi từ Quân đội, nơi tôi đầu quân. Cả gia đình tôi đi Mỹ, nhưng tôi vẫn ở nhà vì tôi còn muốn được thi đấu, được cống hiến. Từ Asiad 16 trở về, tôi muốn nghỉ vì chấn thương. Lúc ấy bác Công nhìn vào mắt tôi hỏi: “Con còn sức không?”, tôi trả lời: “Con còn ạ!”. Bác lại hỏi: “Còn ý chí không?”. Tôi nói: “Con còn”. “Còn muốn thi đấu không?”. Lúc đó, tôi chỉ thấy một điều: tôi không thể bỏ cuộc. “Vậy thì còn sức thì còn chiến đấu!”, bác nói. Đó luôn là tinh thần võ đạo mà bác vẫn truyền cho học trò chúng tôi. Đến bây giờ, nếu được lựa chọn, tôi vẫn chọn theo thể thao. Một phần quyết định đó là bởi tôi có một người thầy như bác. Tôi chỉ nói với mong muốn được quan tâm chữa trị chấn thương, nhưng không ngờ lại thành ra thế này. Tôi rất buồn nản, 10 năm khổ luyện và cống hiến nay đã bị phủi sạch...”.

Nổi tiếng là người thầy mẫu mực, HLV Lê Công còn buồn phiền hơn khi đọc những thông tin trên báo chí. Ông cho rằng: “Nói như vậy làm mất hết giá trị con người. Là người thầy, tôi coi Nguyệt Ánh như con mình. Con đau thì phải kêu, đấy là điều bình thường. Chấn thương của Ánh phức tạp, mổ ở nước ngoài cần 500 đến 700 triệu đồng, mà với kinh phí nhà nước là không thể. Điều cốt lõi là phải có thái độ thông cảm, sự quan tâm cũng không thể vượt quá khuôn khổ và khả năng kinh phí của ngành. Ánh cần có sự hỗ trợ của các tổ chức trong xã hội, vì vậy phải chờ. Tôi tin học trò của tôi hiểu được điều đó”.

o0o

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng y tế Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn) khẳng định: “Không có chuyện VĐV không được quan tâm hay thiếu kinh phí điều trị. Hàng tuần chúng tôi luôn họp giao ban báo cáo với lãnh đạo Tổng cục TDTT. Năm nay đã có 6 trường hợp VĐV được mổ, và Trung tâm đang tiến hành thủ tục mổ cho 3 VĐV nữa, kể cả những VĐV bị chấn thương từ địa phương, khi lên đội tuyển cũng được chữa trị chu đáo… Vấn đề là VĐV của ta nhiều khi quá ham tập luyện, không nghỉ theo chỉ định của bác sĩ”.

Về hướng điều trị cho Nguyệt Ánh, ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “Với chấn thương của Nguyệt Ánh, Tổng cục TDTT sẽ cố gắng hết sức và sẽ phối hợp cùng đơn vị chủ quản huy động kinh phí từ các nguồn tài trợ để chữa trị cho em một cách tốt nhất”.

BẢO NGỌC

Tin cùng chuyên mục