
Tiểu đoàn (TĐ) 232 (Cục Hậu cần - QK5) là đơn vị vận tải ở chiến trường duy nhất có 100% quân số là nữ. Từ khi thành lập năm 1969 cho đến khi giải thể vào năm 1972, 322 cán bộ chiến sĩ nữ của TĐ 232 đã gùi thồ 5.019 tấn gạo, muối, vũ khí, thuốc men… từ các căn cứ hậu cần Trường Sơn Đông xuống chiến trường Quảng Đà.
Tính bình quân, mỗi người vận chuyển khoảng 20 tấn hàng phục vụ chiến đấu, với 600km đi bộ. Sự hy sinh không tiếc máu xương, công sức, tuổi thanh xuân… của TĐ 232 đã được tặng danh hiệu: “Kiện tướng hành lang, gương mẫu, đảm đang, chân đồng vai sắt” và QK5 đang đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng điều chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này, lại là câu chuyện hôm nay của những người phụ nữ “chân đồng vai sắt” ấy…
Tuổi xuân gửi lại Trường Sơn
Căn nhà nhỏ trong Khu điều dưỡng thương binh nặng và người có công tỉnh Quảng Nam như bừng sáng khi mẹ con chị Phạm Thị Nhung sum họp. Tình cờ cũng là lúc PV Báo SGGP ghé thăm, chị Nhung mừng ríu rít chẳng biết làm gì, hai tay chị cứ xoắn lấy nhau, ấp úng mời khách… đứng uống nước. Không có bàn ghế, cũng chẳng có trà, ly nước lọc được con của chị Nhung lễ mễ bưng ra mời khách, mời luôn cả mẹ. Chị Nhung nửa tủi thân, nửa vui sướng, gí mãi đôi chân chai sần lên nền nhà, mắt nhìn xuống, nói: “Hắn lấy chồng xa, cả tháng chừ mới về thăm mẹ đó. Hắn nghèo mà được cái hiếu thảo lắm mấy chú à”.
Năm nay đã gần 60 tuổi, chị Nhung được nếm trải cảm giác làm vợ chỉ dăm bữa. Còn cảm giác làm mẹ chỉ đến khi chị tròn 35. Không nói thẳng vào nguyên nhân vì sao chỉ một mình nuôi con, chị bảo: “Tham gia vận tải gùi thồ từ Trường Sơn vào chiến trường, suốt 4 năm liền 100% các chị em tui… tắt kinh, tóc rụng trọc đầu. Rồi sau khi TĐ giải thể, bọn tui tứ tán nhiều đơn vị chiến đấu khác. Hòa bình về thì già mất. Ở nhà quê thì con gái tuổi băm là ế rồi chú hè. Tui lại là bệnh binh loại 1 nên nỏ (không) dám ước mơ chi, kiếm đứa con hủ hỉ thôi”.
Lắng nghe “câu chuyện hủ hỉ” của họ, chúng tôi thấy người mẹ luôn hỏi về cuộc sống làm dâu của con ở nhà chồng. Người con lại quan tâm căn bệnh của mẹ, đến mấy cái cột nhà mục nát vì mối đùn. Hai mẹ con họ xoắn lấy nhau, nước mắt ngắn dài, bởi cả hai đều rất nghèo. Gia tài chị Nhung để lại cho con là tấm bảng thành tích trong kháng chiến treo trên vách tường ẩm mốc và món tiền trợ cấp bệnh binh hàng tháng.
Những người mẹ “tự túc”

Tham mưu trưởng TĐ Nguyễn Thị Ngọc Thu bây giờ đã là một cụ bà ngót 70. Bà Thu lập gia đình muộn và chồng cũng đã mất. Vừa đi, bà vừa nói mà như thở than: “Chị em ở TĐ hầu hết đều quá lứa lỡ thì, người có chồng liệt sĩ, người thì chồng bệnh tật, người phải “tự túc” kiếm con…”.
Cúi rạp người để vào cái nhà tôn, chúng tôi ngỡ ngàng trước hoàn cảnh chiến sĩ gùi hàng Nguyễn Thị Phái năm nào. Nhà bà Phái hiện ở Thị trấn Hà Lan (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có diện tích 30m2, 3 người ở. Chuyện “tự túc” của bà không ai nhắc tới, nhưng chúng tôi nghe nói 2 con của bà tới giờ cũng không biết mặt cha. Có lẽ thiếu thốn bờ vai của người cha nên họ cũng yếu đuối, cam chịu và nhẫn nhục như người mẹ.
Ở nhà quê, chuyện “bia miệng” làm sao mà tránh được! Buồn một đỗi, nhà bà Phái không có nổi tấm phên vách tử tế thì lấy đâu ra chỗ treo bảng thành tích trong kháng chiến, vì thế không ai tường tận hoàn cảnh của bà để mà cảm thông, âu cũng là lẽ thường!
Đỡ khó khăn hơn bà Phái là bà Trần Thị Liên, cũng ở thị trấn Hà Lan. Bà Liên từ giã chiến trường, về quê làm ruộng. Nhà không có đàn ông, mọi việc đồng áng lớn bé đều một vai bà gánh, tủi thân tủi phận, bà quyết “tự túc” một đứa con để ẵm bồng. Từ ngày có con, dù tiếng đời thị phi nhiều nhưng tiếng cười thơ trẻ của con đã khiến cuộc đời bà bớt hiu quạnh. Hàng xóm bảo hai mẹ con bà chỉ ăn khoai, lúc nào sang lắm mới ăn cơm với cá khô, vậy mà đứa bé lớn nhanh như thổi. Hỏi chuyện tương lai, bà nói chậm mà đều đều như đã thuộc lòng: “Ước mong con tui thoát khỏi cảnh nghèo như tui. Hắn thương tui nên chừ vẫn chưa lập gia đình”.
“Hạnh phúc” ở rất xa!

Người đàn bà “tự túc” không ngại kể về mình là bà Bùi Thị Kim Hữu (phường Cẩm Phô, TP Hội An, Quảng Nam). Mấy mươi năm trôi qua nhưng đôi mắt đẹp và tính cách can trường của bà thì vẫn như xưa. “Hồi nớ tui ở nhà sát bến đò Ngọc Thành. Khi tham gia TĐ thì còn bé quá đâu có học hành gì nên giải phóng xong, vừa già vừa dốt, vừa yếu do nhiễm chất độc da cam nên chỉ được tuyển làm bảo vệ. Bến đò hồi nớ có anh công nhân miền Bắc vào xây cầu, thấy tui khổ quá anh “giúp” cho… thằng Nguyên (con bà Hữu). Cầu xây xong rồi, tôi chờ miết bên sông Thu Bồn cho đến chừ thằng Nguyên đã lớn, lấy vợ rồi mà người ta nỏ quay lại. “Nhìn lên” thì mình vô phúc nhưng “nhìn xuống” cũng còn hơn chị em khác là vẫn có việc làm (hiện là nhân viên tạp vụ UBND phường Cẩm Phô), con cái yên bề gia thất, chú hỉ?” - bà Hữu “tự hào” khoe!
Rà soát trong danh sách mà Tham mưu trưởng TĐ Nguyễn Thị Ngọc Thu cung cấp, thấy có đến trên 70% chiến sĩ TĐ là góa phụ, “tự túc”, bệnh tật, nghèo khó… Vậy nên khi bà Hữu tự hào khoe con, chúng tôi cũng vui lây. Ngồi nói chuyện xưa, chuyện nay một hồi thì “thằng Nguyên yên bề gia thất” của bà Hữu xuất hiện… trên chiếc xe ba bánh. Anh Nguyên cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, từ mẹ!
Kể về hoàn cảnh những đồng đội cũ, nay phải “tự túc”, bà Thu nói: “Chị Nguyễn Thị Thơ (Tiên An, Tiên Phước, Quảng Nam) có đến 4 đứa con. Khi tôi hỏi vì sao, chị nói do sức yếu nên công việc đồng áng phải dựa vào những nông dân trong vùng, rứa là mỗi mùa chị sinh một đứa, chúng chỉ cao hơn cán cuốc vì thiếu dinh dưỡng; còn chị Trần Thị Liên ở xã Tiên Ngọc gần đó cũng “tự túc” được một đứa, tằn tiện nuôi con khôn lớn, gả chồng, lại gặp phải thằng rể không tử tế, đã đuổi mẹ vợ ra khỏi nhà; chị Lưu Thị Hưng đi rửa bát thuê tận Đà Nẵng; chị Nguyễn Thị Lan có con nhưng con chưa kịp đền đáp ơn mẹ thì chị đã bị ung thư…”.
Chiến tranh kết thúc đã gần 35 năm. Đất nước hòa bình, xây dựng và phát triển cũng đã gần 35 năm. Vậy mà trên mảnh đất Quảng Nam, những người phụ nữ của TĐ vận tải một thời là “Kiện tướng hành lang, gương mẫu, đảm đang, chân đồng vai sắt” mà “chừ như rứa”…! Nếu không gặp gỡ, tận mắt chứng kiến, chúng tôi không thể nào tin…!
MINH ANH – ANH DŨNG