Hồ nghi kết quả kinh doanh quý I

Hồ nghi kết quả kinh doanh quý I

(SGGPO).- Các DN niêm yết trên cả hai sàn đã công bố KQKD quý I của mình, không có nhiều điều đáng nói khi hầu hết các con số đều được NĐT chấp nhận. Mặc dù vậy, vẫn xuất hiện một số ít trường hợp các con số DN đưa ra khiến nhiều người cảm thấy thất vọng hoặc bán tín bán nghi về tính xác thực.

Trong quý I, CTCK Bảo Việt (BVS) đạt doanh thu 73,3 tỷ đồng, tăng 50,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2009. Nhưng thực ra quý I năm ngoái là thời điểm TTCK Việt Nam rơi xuống đáy nên con số này cũng không mấy ấn tượng. Lợi nhuận của BVS còn đáng buồn hơn khi chỉ đạt 9,6 tỷ đồng, bằng 5,5% kế hoạch năm. Như vậy, việc hoàn thành kế hoạch năm sẽ là một nhiệm vụ không hề đơn giản cho Tổng giám đốc của BVS và các cộng sự của mình.

NĐT không có cơ sở để kiểm chứng thông tin. Ảnh: LÃ ANH

NĐT không có cơ sở để kiểm chứng thông tin. Ảnh: LÃ ANH

Ngày 20-4, HOSE đã quyết định đưa MT Gas (MTG) ra khỏi diện cảnh báo, do năm 2009 MTG làm ăn có lãi, mặc dù vậy MTG đã đón sự kiện này bằng KQKD quý I bị âm hơn 700 triệu đồng. Năm nay, Nhà Từ Liêm (NTL) đặt kế hoạch doanh thu 1.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức từ 25% trở lên. Nhưng quý I năm nay, NTL chỉ đạt 27,2 tỷ đồng doanh thu, bằng chưa đầy 2% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 5,4 tỷ đồng, bằng chưa đến 1% kế hoạch. Mặc dù NTL đã có lần công bố KQKD quý I rất thấp nhưng với những ai bỏ tiền ra để mua CP NTL - CP có thị giá cao nhất nhì thị trường hiện nay - hẳn đang phải đắng lòng.

Nhìn nhận theo hướng tích cực, những trường hợp như BVS hay NTL, thuộc các nhóm ngành tài chính và bất động sản, nên việc sử dụng một số thủ thuật kế toán để điều chỉnh KQKD theo quý không phải là điều gì quá khó. Nhiều người vẫn tin rằng NTL đủ sức hoàn thành kế hoạch kinh doanh, và BVS sẽ có những bước đột phá trong những quý tới. Việc nhiều DN công bố KQKD nghèo nàn trong quý I là thông tin đúng với bản chất hay chỉ là đòn gió? Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét một số diễn biến về CP trong khoảng thời gian trước và sau khi thông tin xuất hiện.

Đầu tiên là trường hợp của NTL, tăng từ 15.0 lên gần 18.0 trong tháng 4, đầu tháng 5 khi KQKD quý I xuất hiện, CP này đổ dốc 3 phiên liên tiếp xuống còn hơn 16.0. Thực tế với mức EPS lên đến 25.000 đồng/CP, dù giá ở mức 18.0, P/E của NTL cũng chỉ 6 lần và sắp tới là ngày chốt quyền để hưởng cổ tức bằng CP. Nhưng rõ ràng thông tin KQKD không mấy tích cực đã khiến CP này giảm giá. MTG đã tăng từ 1.2 lên gần 2.2, ai mua CP MTG cách đây 1 tháng và cuối tuần qua đem bán ra, số tiền lãi đạt được cũng gần bằng vốn bỏ ra. Tháng 4 CTCK Rồng Việt cũng đã công bố gia tăng tỷ lệ sở hữu tại MTG, sự hưng phấn của nhóm CP penny được cho là nguyên nhân khiến MTG tăng mạnh.

Tuy nhiên, KQKD quý I bị lỗ cũng khiến nhiều người chưng hửng, và bên cạnh đó là việc Phó chủ tịch HĐQT đăng ký bán 1,25 triệu CP. Nhưng phiên giao dịch cuối tuần qua, trong khi rất nhiều CP tốt, kinh doanh có lãi, quay đầu giảm giá theo thị trường, MTG lại đi ngược thị trường, tăng giá lên gần 2.2. Nhiều người đã đặt câu hỏi về việc trục lợi thông tin nhằm xả hàng chốt lời, đồng thời để dìm hàng và sau đó gom CP với giá rẻ hơn.

Sau chuyện “xào nấu” thông tin tốt nhằm che mắt NĐT, dường như đang xuất hiện một thủ thuật mới là đưa các tin xấu để tung hỏa mù. Trong rất nhiều DN có KQKD công bố không khả quan, vẫn có những tin đồn về việc thực tế DN đó lãi rất lớn. NĐT đang bị bỏ bùa về thông tin và không có cơ sở nào để kiểm chứng. Với những DN có ý đồ trục lợi thông tin, đây là một nước cờ quá liều khi tự hạ thấp giá trị của mình, kèm theo đó là ý định lọc lừa NĐT. Đây là biểu hiện của sự tư lợi và sẽ chặn đứng sự phát triển lâu dài của DN.

NGỌC PHÁCH

Tin cùng chuyên mục