Trên cao nguyên mênh mông cách mặt biển trên 1.000m, tạo hóa đã ban cho TP Pleiku một “ao tù” lơ lửng trên từng trời, có diện tích mặt nước lên đến 250ha và được người dân vùng đất này đặt cho cái tên Biển hồ. “Thương thương quá cái ao tù thiếu nước/Nên cái ao tù cũng thành biển của em”. Biển hồ này còn có tên Tơ Nuêng (Tơ Nưng), nằm giữa những ngọn núi trập trùng bao quanh uốn lượn; hứng trọn những nét đẹp kiêu sa, phiêu lãng, tinh hoa của đất trời.
Mặt nước hồ phẳng lì, mênh mông, trong xanh. Xung quanh hồ là những cây đa, cây đề cổ thụ, những rừng thông vi vút gió, nhiều loài hoa chen chúc nhau với sắc vàng của cúc quỳ, xanh lục E Pang, tím hoa mua, đỏ rực màu hoa gạo. Quanh hồ là nơi quần tụ sinh sống hòa thuận của các bản, làng dân tộc: Kinh, Gia Rai, Ba Na, Sê Đăng… Biển hồ Tơ Nưng có nguồn nước ngọt vô tận, cung cấp cho hàng triệu người trong sinh hoạt đời sống và tưới tiêu cho hàng vạn hécta rừng, cà phê, tiêu, điều, hoa màu và cây ăn trái… Biển hồ Tơ Nưng có nhiều cá to nặng tới vài mươi ký; là một thắng cảnh nổi tiếng được cấp bằng di tích quốc gia năm 1998; là “Hồ ngọc” của Tây nguyên”.
Vẻ đẹp huyền bí
Cách nay 18 năm, chúng tôi đã đến vùng Biển hồ Tơ Nưng, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 7km. Biển hồ gần như dành riêng một góc trời. Những ngày tháng hè này trở lại, TP Pleiku đã “tràn” qua địa bàn của Biển hồ. Xã Biển hồ nằm trên một con đường to rộng và thẳng tắp. Cũng như chúng tôi, từng đoàn du khách lần lượt tới đây thăm thú, nhìn ngắm mặt Biển hồ và những ngọn núi hùng vĩ bao quanh luôn phủ kín mây mù. Có rất nhiều giai thoại về Biển hồ, nhưng ấn tượng nhất là giai thoại xuất phát từ một làng cổ huyền thoại. Chuyện kể rằng, ngày xưa, làng Tơ Nưng to và xinh đẹp lắm; dân bản sống yên vui hòa thuận. Bỗng một hôm, núi lửa ập tới lấp làng. Những người sống sót khóc thương làng mình và người thân mãi không nguôi, nước mắt chảy thành suối đổ về làng mà thành hồ. Do đó hồ giữ lại tên Tơ Nưng. Theo các nhà khảo cổ học thì hàng triệu năm trước, vùng đất xung quanh TP Pleiku bây giờ có hàng trăm miệng núi lửa, nhưng hồ Tơ Nưng là miệng núi lửa lớn nhất. Tro lửa phun trào đã tạo nên núi Hàm Rồng đối trọng. Sơn thủy hữu tình: Biển hồ Tơ Nưng - núi rừng Hàm Rồng đã tô lên vẻ đẹp tuyệt mỹ của vùng Bắc Tây Nguyên. Cứ mỗi buổi chiều tà, khi mặt trời về phía trời Tây, những người dân bản xứ chèo thuyền độc mộc, trôi phiêu lãng trên mặt nước hồ bình lặng trong xanh, con người như tìm về cõi thần tiên của cuộc đời.
Biển hồ Tơ Nưng hình bầu dục, có diện tích 460ha. Chỉ riêng mặt nước hồ đã là 250ha với trữ lượng 30 triệu m3 nước. Độ sâu trung bình của Biển hồ Tơ Nưng từ 15 - 18m, nơi sâu nhất đến gần 40m. Có nghiên cứu cho rằng dưới lòng hồ có những lỗ hổng chảy xuống tận Bình Định. Không biết có hay không nhưng mùa mưa cũng như mùa khô, mặt nước hồ hầu như không đổi. Dưới đáy hồ Tơ Nưng, các di chỉ khảo cổ học được phát hiện đã đem lại một bộ sưu tập hiện vật phong phú. Hiện vật mới nhất chỉ cách nay vài tháng khi anh em ngư dân Trân Văn Phận quăng chài ở một vùng ven hồ gần Cầu treo (thuộc thôn 4, xã Biển Hồ) ở độ sâu 3m được một bao tải, trong đựng 2 pho tượng cổ. Bức tượng người đàn ông cao 1m, bức tượng người đàn bà cao 70cm bằng gỗ quý, ngoài phủ một lớp cứng như sành sứ; đường nét hoa văn sắc sảo, quần áo mũ mão được sơn son thếp vàng, lộng lẫy hoa văn như y phục của vua và hoàng hậu. Ông Quách Trọng Hoan, được người dân ở đây yêu mến gọi là “Ông già Biển hồ”, đã đem về đền thờ Vạn Ninh do mình xây dựng năm 2001, thờ chung với Bác Hồ và các cháu tử nạn vì đuối nước ở đây.
Bảo vệ nguồn nước
Nguồn nước ở Biển hồ Tơ Nưng dồi dào và ngọt vào nhất Bắc Tây Nguyên. Nhiều năm qua, người dân TP Pleiku và các vùng xung quanh đều sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất và đời sống hàng ngày. Theo anh Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng hành chính Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai thì sau ngày giải phóng 30-4-1975 đến nay, tỉnh này đã có nhiều sáng kiến bảo vệ nguồn nước ngọt trong sạch và quý giá này. Tháng 1-1998, UBND tỉnh Gia Lai đã đắp đập chia Biển hồ thành 2 hồ A và B. Hồ A dùng phục vụ sinh hoạt và đời sống nhân dân. Hồ B phục vụ sản xuất, tưới tiêu cho hàng vạn hécta rừng, cây công nghiệp, rau màu, cây ăn trái… Anh Nguyễn Văn Toại, Quản đốc phân xưởng cấp thoát nước ở khu vực Biển hồ, cho biết: Tỉnh giao cho công ty chúng tôi bảo vệ nguồn nước mặt và công trình văn hóa lâm viên khu vực hồ A. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân là tối quan trọng. Khai thác du lịch phải đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách. Một thời du lịch ở Biển hồ rộ lên với nhiều phương tiện ca nô, thuyền máy, thuyền bè… Du khách tới đây chơi và gây ra nhiều bất cập làm ô nhiễm môi trường nước và những vườn đồi như nhậu nhẹt, xả rác… Năm 1999, UBND tỉnh hạn chế các loại phương tiện trên hoạt động tại khu vực hồ A. Từ đó tới nay, du khách tới thăm hồ, vãn cảnh mươi mười lăm phút rồi về. Nhờ vậy nước Biển hồ Tơ Nưng giữ được độ trong sạch phục vụ cộng đồng, trở thành tụ điểm du lịch sinh thái ở vùng Bắc Tây Nguyên.
Những thôn làng quần tụ
Anh Vũ Quang Hưng, 48 tuổi, Phó Công an xã Biển Hồ, đưa chúng tôi vào các thôn làng, thăm bà con sống quanh Biển hồ. Anh Hưng cho biết: Xã có diện tích 2.020ha, 5 làng dân tộc và 5 thôn người Kinh với dân số trên 7.600 người (35% là đồng bào dân tộc). Bà con nơi đây sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng rẫy và đánh bắt cá. Phong trào trồng cà phê và tiêu đang phát triển mạnh. Nhiều bà con ăn nên làm ra nhờ loại hình kinh tế này. Chúng tôi ghé thăm nhà Siu Vip, 52 tuổi, thuộc làng Xơ. Nhà anh trên đồi cao, nhìn xuống mặt Biển hồ rất đẹp. Đây là một gia đình dân tộc Gia Rai, nhà cửa xây cất khang trang; xung quanh nhà là vườn cà phê và tiêu rộng rãi. Anh kể: Nhà tôi có 4 người, trồng 1,8 ha cà phê và 2.000m² tiêu. Mấy năm nay, gia đình tôi trúng cả cà phê và tiêu, bán được giá cao nên đời sống ổn định. Không chỉ nhà anh mà rất nhiều nhà chúng tôi đã gặp sống xung quanh Biển hồ đều có cuộc sống khá cao. Hầu như nhà nào cũng xây tường, phương tiện phục vụ sinh hoạt hàng ngày đầy đủ.
Theo thống kê của các ngành chức năng, tại khu vực Biển hồ này có trên 100 hộ sống bằng nghề đánh bắt cá. Đó là chưa kể hàng chục người từ trung tâm TP Pleiku đến đây câu và thả vó bắt tép. Cá tép ở Biển hồ thuộc vào loại đặc sản có một không hai ở Tây Nguyên. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, cha con anh Rơ Chăm Nưl bắt được một con cá chép cân nặng gần 50kg. Anh đem bán cho một nhà hàng đặc sản được gần 5 triệu đồng. Thỉnh thoảng những ngư dân ở đây đều bắt được cá to như: chép, mè, trôi… Anh Rơ Chăm Nưl tâm sự: đánh bắt cá tép chỉ là nghề tay trái. Ở đây, ai cũng có ruộng rẫy trồng rau màu, cà phê, tiêu điều… Đời sống ngon lành không còn nghèo khó như trước đây nữa.
Có thể còn nhiều điều cần nghiên cứu về những bí ẩn xung quanh Biển hồ Tơ Nưng bởi hiệu quả của nó đối với con người, kinh tế, xã hội ở Gia Lai nói riêng và vùng Bắc Tây Nguyên nói chung rất lớn. Cách tân lại hệ thống du lịch làm sao vừa giữ được vẻ đẹp vốn có, môi trường truyền thống; vừa giữ được nguồn nước ngọt, trong sạch và quý giá này. Biển hồ Tơ Nưng - viên ngọc quý của vùng Bắc Tây Nguyên đã, đang và sẽ làm rạng danh vùng đất trù phú này.
LÊ BÌNH