
Chưa kịp vui khi lần đầu tiên trong hơn 2 năm nay chúng ta khắc phục được dịch cúm gia cầm ngay trong thời điểm mà virus H5N1 có điều kiện phát triển và các nước đang còn chật vật đối phó, thì dịch bệnh trên đàn gia súc bộc phát.

Ngoài bệnh trên đàn heo, còn có nhiều bệnh khác ở trâu và bò, nhất là bệnh đậu trên đàn dê cừu ở Ninh Thuận và Bình Thuận mà theo đánh giá, tỷ lệ chết rất lớn.
Theo Trung tâm Thú y TPHCM, một trong những nguyên nhân làm bùng phát bệnh gia súc thời gian vừa qua là do các cơ quan hữu quan lo tập trung cho phòng chống cúm gia cầm nên công tác phòng chống dịch cho đàn gia súc bị hở sườn.
Toàn vùng (gồm 13 tỉnh, TP trọng điểm cả nước về chăn nuôi, nhất là heo và bò, cừu…) chỉ đạt 55% tiêm phòng lở mồm long móng và 71% tiêm phòng tụ huyết trùng. Tỷ lệ này rõ ràng chưa thể đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh.
Cả nước chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM tiêm phòng lở mồm long móng đạt trên 95%; tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng ngoài TPHCM còn có Bình Phước, Tây Ninh, Ninh Thuận đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 90%.
Ông Đồng Mạnh Hòa, Giám đốc Trung tâm Thú y TPHCM cho biết, một trong những yếu tố giúp phòng chống tốt dịch bệnh là tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn và nhất là phải có hệ thống thú y cơ sở mạnh. Khi dịch bệnh bùng phát, chính thú y cơ sở giúp phát hiện sớm để vừa báo lên cấp trên vừa giúp cho người chăn nuôi biện pháp đối phó và xử lý kịp thời để cô lập, bao vây và kiểm soát chặt đàn gia súc bị bệnh, không để vận chuyển ra khỏi địa phương.
Tuy nhiên điều này đến nay vẫn còn là mong muốn. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đắc Nông cho biết, một trong 7 giải pháp mà thế giới khuyến cáo về phòng chống dịch cúm gia cầm là phải nâng cao năng lực mạng lưới thú y, trong đó chú trọng nhiều đến thú y cơ sở.
Thế nhưng hiện nay, do chưa có chính sách dành cho những người làm công tác kiểm dịch, kiểm soát tại cơ sở nên mạng lưới thú y cơ sở còn mỏng về nhân sự và chưa thể làm tốt công việc. Có tỉnh, thú y cấp huyện và xã lại trực thuộc UBND huyện thay vì trực thuộc cơ quan chuyên môn cấp trên nên trong chỉ đạo thông tin không được nhất quán và kịp thời.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong phòng chống dịch là phát hiện kịp thời tại cơ sở để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, nhưng thú y cơ sở hiện nay vừa thiếu vừa không xuyên suốt nên không thể đảm bảo nhiệm vụ này. Một khi chưa củng cố hệ thống thú y thì chưa thể nói giám sát và quản lý chặt chẽ các nguy cơ. Và dịch bệnh lại có thể xảy ra.
CÔNG PHIÊN