Thông tin tại cuộc họp cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, điện gia dụng đạt khoảng 62 tỷ USD, chiếm 28,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong 9 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, điện gia dụng đã đạt hơn 70 tỷ USD (điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD, tăng 14,6%; máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 16,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,1 tỷ USD, tăng 28,7%).
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng từ linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm hoàn chỉnh… chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiệu, chuyên viên tư vấn Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng cường quản trị (USAID GIG), cho biết sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải nhập khẩu chiếm 77%, 6% mua trong nước thông qua các công ty thương mại nhập khẩu, 1% do các công ty sản xuất sản phẩm đầu cuối tự sản xuất và chỉ có 16% sản phẩm hỗ trợ được mua từ nhà sản xuất trong nước. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, hiện Việt Nam đang có 605 doanh nghiệp lắp ráp cuối cùng với 180.000 lao động tham gia. Điều này cho thấy ngành sản xuất chuỗi cung ứng sản phẩm điện, điện tử chưa phát triển, chưa đủ nhiều để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối của các doanh nghiệp FDI.
Cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng là rất lớn. Bởi những yếu tố cần thiết như quy mô thị trường đã đủ. Vấn đề còn lại, doanh nghiệp cần thiết phải đa dạng hóa sản phẩm hạ nguồn, trung nguồn. Ngoài ra, năng lực doanh nghiệp cần đủ lớn để đáp ứng về số lượng sản phẩm cung ứng. Kế đến, doanh nghiệp cần cải thiện năng lực quản lý, đảm bảo tính ổn định chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng giờ… Còn về phía cơ quan chức năng, cần tăng hiệu quả hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng năng lực phù hợp với tiêu chuẩn của khách hàng. Song song đó, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp.