Hỗ trợ không khéo thành mắc nợ

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức chương trình kỷ niệm 10 năm “Tết sum vầy”, đồng thời khai mạc “Chợ Tết công đoàn 2024”.

Điểm mới năm nay là bên cạnh các phiên chợ tết tổ chức trực tiếp tại nhiều địa điểm trên cả nước thì công đoàn còn tổ chức thêm phiên chợ mua sắm tết qua sàn thương mại điện tử. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ cho hơn 200.000 đoàn viên công đoàn (có hoàn cảnh khó khăn, hoặc có thành tích xuất sắc), với mức hỗ trợ 300.000 đồng/người, để họ tham gia mua sắm các loại sản phẩm, hàng hóa tại các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiki, Shopee.

Năm nay, số tiền hỗ trợ không phải là tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản của người lao động như các năm trước, mà tổ chức công đoàn chuyển vào thẻ tín dụng (dư nợ tới 5 triệu đồng) của một công ty tài chính do Tổng LĐLĐ Việt Nam giới thiệu, hợp tác. Trong thẻ đó, người lao động được cho (tặng) 300.000 đồng để mua sắm. Nếu rút tiền mặt hoặc chi tiêu vượt sẽ bị tính lãi.

Tuy nhiên, điều này đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất là, trên các sàn thương mại điện tử này không có bán cá, thịt, trứng, rau... Thứ hai, nếu tặng thẻ tín dụng thì nhiều công nhân lao động có thể sử dụng mà không tính đến sau này sẽ phải trả lãi lẫn gốc. Lãi suất thẻ tín dụng có thể rất cao mà những công nhân lao động khó khăn có thể không trả nổi.

Đây chính là lý do mà mới đây, giám đốc một công ty ở Sóc Trăng cũng như lãnh đạo một số doanh nghiệp ở Cà Mau, Cần Thơ… đã từ chối cho công nhân của mình tham gia vào chương trình hỗ trợ này. Nhiều công nhân lao động cũng cho biết, họ không tham gia hoặc rút tiền vì thủ tục rất phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, “không khéo dính vào vòng luẩn quẩn vay - nợ”.

Lâu nay, tình trạng công nhân lao động dính vào bẫy tín dụng đen hoặc vòng luẩn quẩn vay - nợ, khiến dư luận xã hội lo lắng, đề nghị lực lượng chức năng mạnh tay dẹp bỏ vấn nạn này. Thực tế hiện nay, hầu như công nhân lao động đều có tài khoản riêng mở tại ngân hàng để giao dịch, mua bán, thanh toán online… Vì vậy, thông qua hỗ trợ tiền mua sắm tết để buộc người lao động phải mở thêm thẻ tín dụng (mà họ không thực sự có nhu cầu) có thể khiến việc được “hỗ trợ” trở thành “mắc nợ” sau này. Do đó, tổ chức công đoàn cần tìm giải pháp, cách thức hợp lý (chẳng hạn chi hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản đã có), tránh gây phiền toái, tạo thêm rủi ro cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục