Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Đến cuối tháng 7, ĐBSCL còn khoảng 500.000ha lúa hè thu trong giai đoạn thu hoạch. Do đang thực hiện nghiêm về phòng chống dịch Covid-19, nên Hậu Giang đã huy động 264 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa giúp nông dân.
Lực lượng Công an tỉnh An Giang thu mua rau hỗ trợ nông dân huyện Chợ Mới (An Giang). Ảnh: TIẾN TẦM
Lực lượng Công an tỉnh An Giang thu mua rau hỗ trợ nông dân huyện Chợ Mới (An Giang). Ảnh: TIẾN TẦM

Hàng trăm ngàn hécta lúa hè thu và nhiều loại nông sản của nông dân ĐBSCL đang trong thời kỳ thu hoạch, cần bán. Việc ùn ứ hàng hóa trong bối cảnh vùng ĐBSCL và TPHCM thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19 là không tránh khỏi. Nhiều địa phương đang cố gắng vận dụng mọi cách làm để nông dân có thể thu hoạch, bán nông sản.

Đến cuối tháng 7, ĐBSCL còn khoảng 500.000ha lúa hè thu trong giai đoạn thu hoạch. Do đang thực hiện nghiêm về phòng chống dịch Covid-19, nên Hậu Giang đã huy động 264 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa giúp nông dân.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng, lực lượng tham gia gặt đập, thương lái mua lúa tại ruộng phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch, áp dụng test nhanh và thực hiện nghiêm 5K. Ngoài ra, các sở ngành tỉnh Hậu Giang đã phối hợp đưa lên nhóm kết nối tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã, nông dân với đầu mối tiêu thụ các nơi.

“Đây là nhóm giao dịch mua bán nông sản nhằm phát huy hiệu quả khi có nhiều giao dịch thông qua nhóm. Về giải quyết lưu thông phương tiện vận chuyển hàng nông sản, Hậu Giang tổ chức rất tốt theo quy định luồng xanh, có mã code cho xe”, ông Trần Chí Hùng cho biết.  

Ở các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long… cũng kết nối các siêu thị, cá nhân, kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ tiêu thụ, gỡ khó cho đầu ra nông sản trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội. Bình thường đầu ra khoai lang đã gặp khó, nay giãn cách càng khó hơn, giá khoai lang chỉ vài trăm đồng/kg vẫn ít người mua. Tuy nhiên, qua kết nối với các siêu thị và các tổ chức, cá nhân, Vĩnh Long đã giúp nông dân bán hàng ngàn tấn khoai lang tím với giá 3.000 đồng/kg.

Hiện cách làm thiết thực nhất mà nhiều địa phương ở ĐBSCL thực hiện là kết nối với các siêu thị, chợ truyền thống (được phép hoạt động) để tiêu thụ nông sản. Một số địa phương như Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp còn linh động tổ chức “mua hàng giùm dân” thông qua việc người dân điện thoại đặt hàng, có xe chở đến nhà dân. Cần thấy rằng, vận chuyển hàng nông sản đang là khâu khó nhất trong lưu thông hàng hóa.

Vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng có công văn đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông báo đến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nếu có xe vận chuyển hàng hóa đường dài (xe tải đi ngoài tỉnh), khẩn trương lập danh sách đăng ký tiêm vaccine Covid-19 cho tài xế, phụ xế và bốc xếp đi theo xe. Đây là một trong những tỉnh đầu tiên khu vực ĐBSCL tạo điều kiện cho các đối tượng vận chuyển hàng hóa đi ngoài tỉnh.

“Việc UBND tỉnh Sóc Trăng sớm đưa ra quyết định và thông báo đến các doanh nghiệp để tiêm vaccine cho đội ngũ bốc xếp, tài xế đã tạo tâm lý phấn khởi. Tài xế vận tải là một trong những đối tượng chịu rủi ro cao khi đối mặt với dịch bệnh. Hơn nữa, giao thông là mạch máu của nền kinh tế, việc tạo điều kiện “phòng vệ” cho đội ngũ tài xế để duy trì các “luồng xanh” trong giao thông là cách làm cho mạch máu ấy được lưu thông, đáp ứng mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế…”, TS Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Tin cùng chuyên mục